Cuộc trở về kỳ lạ
(Câu chuyện nhân quả dưới nhiều góc độ !)
(Ảnh Lâm Thị Thanh Huyền sau này khi lấy chồng)
Năm 2000, Lâm Thị Thanh Huyền sang Australia du học theo diện học bổng, thế nhưng liên tiếp những tai ương đã khiến cô mất trí nhớ và phiêu bạt khắp nơi. Gia đình đau đớn bởi tưởng đã mất con, thế nhưng thật kỳ lạ, 4 năm sau Huyền đã tìm được bố mẹ nhờ một sự trùng hợp ngẫu nhiên…
Lâm Thị Thanh Huyền là con gái út của ông Lâm Văn Bảng, người đã lập bảo tàng nhà tù Phú Quốc ngay tại gia đình ở thôn Nam Quất, xã Nam Triều, huyện Phú Xuyên, Hà Tây. Theo lời kể của ông Bảng, trong số mấy người con của ông, cô út Lâm Thị Thanh Huyền là người thông minh nhất. Hồi tuổi mới lên ba, chưa ai dạy chữ, thế mà nghe các anh, các chị học thuộc lòng chỉ một hai lần là Huyền đã đọc lại vanh vách những bài học của anh chị mình. Ông quyết tâm dồn tất cả mọi thứ cho cô những mong con mình phát huy được hết khả năng thiên phú. Sự kỳ vọng của ông và mọi người trong gia đình đã không uổng phí, Huyền năm nào cũng là một học sinh xuất sắc được thầy cô và bạn bè mến yêu, nể phục.
Tốt nghiệp cấp III năm 1997, Huyền trúng tuyển vào Đại học Giao thông vận tải với số điểm cao chót vót. Học hết năm thứ nhất ở ĐH Giao thông vận tải, thấy mình không hợp, cô quyết định chuyển trường. Huyền thi đậu Khoa Toán tin của ĐH Quốc gia Hà Nội mà chẳng khó khăn gì. Sự tự hào của gia đình ông Bảng được nhân lên gấp bội khi đang là sinh viên năm thứ 2, Huyền được nhà trường cử đi du học nước ngoài. Trước ngày sang Australia học, ông Bảng đã ngồi suốt tối dặn dò con gái yêu những điều cần thiết khi một mình ở nơi xứ lạ. Ông Bảng tặng con một cuốn sách đã được gói ghém rất cẩn thận. Đó là cuốn Nhân Quả, ông mua từ năm 1995 và thuộc lòng từng câu chữ. Bởi là sách quý nên ông tỉ mẩn bọc bằng mấy lớp bìa, ngoài cùng là lớp giấy nilon phẳng phiu, sáng bóng. Đưa cuốn sách ấy cho con, ông rưng rưng bảo: "Ba chẳng có quà gì cho con trước lúc đi xa cả, chỉ có cuốn sách này thôi. Đây là cuốn sách mà ba thích nhất, sang đó, cứ khi nào khó khăn nhất, con hãy đọc nó, nó sẽ chỉ cho con cách vượt qua khó khăn ấy con ạ!".
Nhận cuốn sách từ tay người cha già cả đời lam lũ, Huyền cũng nước mắt nghẹn ngào. Ông Bảng có thói quen hễ mua được cuốn sách nào việc đầu tiên ông ghi ngay tên, địa chỉ của mình lên đó. Cuốn Nhân Quả cũng vậy, tên ông, số điện thoại gia đình, ông đã nắn nót ghi ngay gáy trước. Thế nhưng, chẳng hiểu tại sao, khác với những cuốn sách khác, cuốn sách ấy ông lại ghi tên mình theo kiểu viết không có dấu (Bảng thành Bang) và chỉ ghi mỗi số điện thoại nhà mình chứ không ghi địa chỉ rõ ràng.
Huyền sang Australia học, cô vẫn đều đặn viết thư về cho gia đình. Cuốn sách người cha ở quê tặng, cô cất cẩn thận trong hòm và thỉnh thoảng vẫn lấy ra đọc mỗi khi buồn, mỗi khi "gặp khó khăn" như lời cha cô dặn trước lúc xa nhà. Cạnh nơi Huyền ở có một bà người Pháp bởi không có con nên thấy Huyền hiền lành thì đem lòng quý mến. Bà nhận Huyền làm con nuôi và hai người thường xuyên qua lại chăm sóc nhau như ruột thịt. Học được gần một năm thì tai họa ập xuống. Huyền bị ốm nặng. Mấy ngày liền nằm liệt giường bởi những cơn sốt ly bì hành hạ. Lâu không thấy cô con nuôi ngoan hiền ghé qua, bà mẹ nuôi người Pháp đã tất tưởi đến thăm. Thấy Huyền sốt cao, bà vội vàng gọi bác sĩ và lập tức đưa Huyền nhập viện. Tại viện, các bác sĩ đã chẩn đoán, Huyền bị viêm não đã biến chứng, nếu không đưa sang một bệnh viện tốt nhất của Mỹ thì tính mạng cô sẽ vô cùng nguy hiểm.
Vậy là, từ viện, Huyền đã được bà mẹ nuôi vội vàng làm thủ tục để cấp tốc sang Mỹ chạy chữa. Đến Mỹ, phẫu thuật xong và sau gần một tháng điều trị, bệnh tình của Huyền đã có dấu hiệu thuyên giảm. Sốt ruột vì việc học, dù sức khỏe vẫn chưa phục hồi hoàn toàn nhưng hai mẹ con vẫn cập rập làm thủ tục để quay lại Australia. Họa vô đơn chí, chiều ấy, trên đường sân bay, một tai họa kinh hoàng khác đã ập xuống, chiếc taxi chở hai mẹ con đã va vào xe tải, nát bươm. Lần tai nạn ấy đã khiến mẹ nuôi Huyền thiệt mạng ngay tại chỗ, còn Huyền thì bất tỉnh nhân sự và được mọi người đưa trở lại bệnh viện. Nằm miên man suốt mấy ngày trời, khi tỉnh dậy, Huyền ú ớ khi không còn nhận ra chính mình nữa. Cô đã mất trí hoàn toàn. Cô không biết mình là ai, không biết tại sao lại ở nơi này…
Sau tai nạn kinh hoàng trên, mọi đồ đạc của Huyền đã bị mất hết, kể cả giấy tờ tùy thân. Ra viện, không biết đi đâu về đâu, Huyền đành ở lại Mỹ và kiếm sống bằng nghề rửa vỏ chai, lọ trong một nhà hàng ở New York. Trong cuốn sách Nhân Quả mà cha cô tặng, có nhắc nhiều đến chuyện ở hiền gặp lành. Và điều ấy đã đúng với Huyền. Thấy Huyền chăm chỉ lại ở trong một cảnh ngộ rất đỗi bi thương, một phụ nữ lái buôn người Trung Quốc đã đón Huyền lên tàu chở hàng của bà, nhận Huyền làm con nuôi và Huyền giúp bà những việc vặt hàng ngày. Lúc này, Huyền vẫn không nhớ một chút gì về quá khứ của mình. Cô chỉ thấy văng vẳng trong đầu mình mấy câu "Việt Nam, Hồ Chí Minh" mà cô không biết đã nghe từ đâu. Tiếng Trung Quốc cô không biết, vậy nên khi bà lái buôn người Hoa ra hiệu hỏi quê quán, cô đã nói với bà câu ấy. Biết chắc Huyền là người Việt Nam, bà mẹ nuôi hứa sẽ đưa Huyền về quê cũ khi có chuyến hàng ngược về đại lục. Hơn 2 tháng sau, trên chuyến tàu chở toàn đồ điện tử ấy, tạm biệt nước Mỹ phồn hoa, Huyền lênh đênh trở về Trung Quốc. Đến nơi, nghỉ ngơi vài ngày, Huyền được bà mẹ nuôi cho người đưa đến tận Lạng Sơn. Từ đây, Huyền tìm về Hà Nội, bởi nghĩ ở đó dễ kiếm sống và cơ hội tìm được người nhà sẽ lớn hơn nhiều.
Ở Australia, sau khi thấy Huyền đi chữa bệnh rồi mãi không quay lại trường, tưởng cô đã về nước, bạn bè của cô đã gom tất cả đồ đạc trong đó có cuốn Nhân Quả và gửi về Việt Nam. Thế nhưng, địa chỉ họ gửi không rõ ràng nên những thứ đồ đó không đến được tay người nhận. Những ngày đầu ở Hà Nội, Huyền kiếm sống bằng nghề rửa bát thuê cho những hàng phở, hàng cơm bụi ở quanh Cầu Giấy. Tối, cô lang thang ở khắp các đình, chùa quanh đó tìm chỗ nghỉ chứ không thuê nhà bởi chẳng có tiền. Gặp Huyền, chẳng biết vì mục đích gì, một bà buôn ở mãi Lạng Sơn cứ nằng nặc nhận cô chính là người con mất tích của bà. Sau nhiều lần thuyết phục, tưởng thật, cô đã theo người đàn bà đó ngược về xứ sở hoa hồi. Lên đó, thấy anh em, họ hàng của người đàn bà ấy không thân thiện với mình, nghĩ chắc chắn đây không phải nơi mình đã sinh ra nên ở được hơn một tuần, Huyền đã bỏ về Hà Nội và chuyển sang nghề bán bánh mì dạo. Bởi lo ốm đau không ai chăm sóc nên gần năm trời đội bánh mỳ đi bán ở khắp các hang cùng ngõ hẻm, Huyền đã dành dụm được chút tiền. Biết Huyền có vốn, một ả buôn sách cũ ở đường Láng đã ngọt nhạt mời Huyền về để cùng nhau hùn vốn làm ăn. "Hợp tác" được vài tháng thì ả ôm sạch tiền bỏ trốn, vứt lại cho Huyền mớ sách cũ cuốn nhàu, cuốn rách. Không còn sự lựa chọn nào khác, Huyền đành "tiếp quản" "gia tài" của ả lừa đảo kia để lại.
Mong gỡ lại chút tiền, thôi nghề bán bánh mỳ, Huyền đi bán sách. Huyền là người ham đọc, nên cứ nhập được đợt sách nào là cô đọc hết rồi mới bày ra bán. Chính sở thích ấy mà một ngày cuối năm 2004, nhập đợt hàng mới, thấy cuốn Nhân Quả hấp dẫn, cô đã giữ lại và đọc rất say mê. Có lẽ, có giàu trí tưởng tượng đến mấy, Huyền cũng chẳng thể ngờ rằng, cuốn sách cô đang cầm trên tay lại chính là cuốn sách mà cha cô tặng khi cô lên đường đi học 4 năm về trước. Tò mò muốn ngắm nghía trang bìa của cuốn sách quý nên Huyền đã bóc dần những lớp giấy bọc ấy để xem. Bóc hết lớp bọc thứ nhất, cô giật mình khi thấy kẹp giữa hai bìa sách là tấm chứng minh nhân dân có ảnh một cô gái rất giống mình. Và, càng ngạc nhiên hơn khi thấy cái tên Lâm Thị Thanh Huyền trên chứng minh nhân dân là một cái tên rất quen mà hình như cô đã thấy ở đâu đó mà cô không thể nào nhớ rõ. Không rõ quá khứ nên Huyền đâu biết rằng, trước đây, khi ở Australia, bởi quý món quà cha tặng, cô đã cất giữ cuốn sách ấy rất cẩn thận, đi đâu cô cũng mang bên mình. Chứng minh nhân dân của cô, sợ rơi mất nên cô gài luôn vào giữa hai bìa cuốn sách. Không ai biết cuốn sách đã lưu lạc bao nhiêu nơi, qua bao nhiêu chủ và giờ, chẳng hiểu lẽ gì mà lại quay về với Huyền.
Sao ở trên đời lại có người giống nhau đến thế? Hay người trong chứng minh nhân dân lại chính là mình? Những câu hỏi ấy đã khiến cô để ý đến chữ Bang và số điện thoại đã mờ ghi trên gáy sách. Và, để giải tỏa sự tò mò của mình, Huyền bấm máy theo số điện thoại ấy. Chuông đổ một hồi dài thì đầu dây bên kia có tiếng alô. "Thưa bác, đây có phải nhà bác Bang không ạ?". "Không phải, cô nhầm rồi!". Nói vừa dứt câu, đầu bên kia cúp máy đánh rụp. Thấy tiếng người phụ nữ ở đầu dây bên kia rất quen, nên Huyền đã kiên nhẫn bấm máy lần thứ hai. "Đã bảo không phải rồi mà, cô buồn cười thế nhỉ!". Vẫn một tiếng "rụp" cất lên khô khốc.
Lại nói chuyện ở quê nhà, sau nhiều lần viết thư không thấy con trả lời, bố mẹ Huyền đã nghi ngại về một chuyện chẳng lành đã đến với con mình. Quá sốt ruột, ông đã tìm số điện thoại của trường con mình học và điện thẳng sang. Câu trả lời "Huyền không còn học ở đây nữa, em đã chuyển đi đâu thì chúng tôi không được rõ!" của nhà trường làm ông bà Bảng rụng rời chân tay. Sau một thời gian không thấy Huyền trở về, bạn bè cô đã gom đồ dùng, sách vở của Huyền để lại gửi một người đưa về Việt Nam cho gia đình. Và có lẽ do địa chỉ ghi không rõ ràng, nên số đồ dùng, sách vở đó đã không đến được gia đình ông Bảng. Sau khi đã khóc lóc suốt mấy ngày ròng, mọi người trong gia đình đã mỗi người một hướng bằng mọi cách có thể để tìm tin tức của Huyền nhưng đều vô vọng. Lúc ấy, ông Bảng nghĩ mình đã thật sự mất con.
Từng bị bắt và giam giữ ở địa ngục trần gian Phú Quốc thời Mỹ, ngụy nên ông Bảng đam mê sưu tầm những kỷ vật của đồng đội thời chiến. Cuối năm 2004, ông cho xây ngay trong khu vườn, cạnh mấy gian phòng trưng bày kỷ vật đồng đội một ngôi đền nhỏ để ngày ngày hương khói cho những anh linh đã ngã xuống vì đất nước. Sau gần một tháng thi công, đền thờ liệt sĩ đã được khánh thành vào đúng ngày 26 Tết. Đó cũng chính là ngày Huyền gọi điện về nhà. Bà Nguyễn Thị Lan, mẹ Huyền kể, hôm ấy, đang bận rộn bởi khách khứa nên cứ thấy một cô gái gọi điện hỏi nhà ông Bang, bà đã phát bực và nói nặng lời.
Ngoài Hà Nội, Huyền cứ nằm ngắm nghía tấm ảnh "giống mình" trong chứng minh nhân dân ấy chẳng hiểu vì lẽ gì cô đã bấm máy lần thứ ba. Đang tiếp khách ở ngoài sân, thấy chuông điện thoại lại đổ dài, mẹ Huyền làu bàu bảo: "Chắc lại điện thoại của con bé ấy, đã bảo không phải lại cứ hỏi mãi! Rõ bực!". Thấy vợ mình khó chịu, ông Bảng vội chạy lại nghe máy. Vừa nghe giọng cô gái, khuôn mặt ông đã tái mét vì ở đầu dây bên kia là một giọng nói rất quen. "A lô! Ai đấy!? A lô! A lô…". Không chờ đầu dây bên kia trả lời, ông hấp tấp hỏi như người đang ở tận cùng hoảng loạn. "Dạ, thưa bác nhà bác có ai tên là Huyền không ạ!?". "Có, có! Ai đấy!? Huyền đấy à con!? Ôi, ba đây mà! Ba của con đây mà! Con không nhận ra ba sao!? Thế con đang ở đâu để ba lên đón con về!?".
Nghe cô gái nói nơi mình ở, ông Bảng đã vội vàng vơ chiếc áo rét gọi thêm vài người nữa rồi ào lên Hà Nội. Chạy xe một lèo đến nơi Huyền ở, ngách 18 phố Trương Định, ông Bảng mừng như điên dại và không tin vào mắt mình nữa bởi cô gái đang đứng trước mặt chính là Huyền, con gái của ông. Thế nhưng, Huyền vẫn không nhận ra ông và vẫn gọi ông bằng bác như người xa lạ. Mất một lúc lâu, nghe ông Bảng kể lại quãng thời gian ngày trước, kể tỉ mỉ việc gia đình đã cho Huyền đi du học thế nào thì cô mới tin người đàn ông tóc bạc như cước ấy chính là cha mình. Ngay đêm đó, cô theo ông về lại quê nhà sau gần 4 năm xa cách. Năm ấy, nhà ông Bảng đã có một cái Tết đáng nhớ nhất trong đời. Họ hàng, làng xóm lúc nào cũng đến kín nhà chúc mừng cho sự trở về lạ kỳ của cô gái con ông. Và, để giúp Huyền dần dần phục hồi trí nhớ, ai đến, ông cũng giới thiệu kỹ lưỡng với cô để cô biết đâu là anh, là em, là cô, dì, chú, bác của mình.
Huyền bây giờ đã có một mái ấm hạnh phúc. Cô mới xây dựng gia đình tháng 1. Hiện đôi vợ chồng trẻ đang sống tại phòng 318/No 4B khu chung cư Linh Đàm, Hà Nội. Nhờ sự giúp đỡ tận tình của gia đình cũng như người chồng hiền lành, chu đáo, trí nhớ của Huyền cũng đã khôi phục nhiều. Tuy thế, vết thương ở đầu do tai nạn vẫn hành hạ cô mỗi khi trái gió trở trời. Những khi ấy, cô ôm đầu quằn quại như người điên dại. Thế nhưng, có một điều lạ là những kiến thức Huyền đã được học thì cô lại nhớ lại rất nhanh và chính xác. Chính vậy mà hơn một năm nay, Huyền luôn có một khoản thu nhập ổn định nhờ nghề dạy học. Cô mở lớp dạy thêm ngay tại nhà và nơi đó đã là một địa chỉ tin cậy để nhiều học sinh tìm đến… Cuốn sách Nhân Quả giờ ông Bảng giữ như báu vật đời mình. Ông bảo, nhờ nó mà con ông tìm được gia đình thế nên sau này trước khi qua đời, ông sẽ lại cẩn thận giao lại cuốn sách ấy cho Huyền cất giữ..
(Theo Công An Nhân Dân)
------------
Lâm Thị Thanh Huyền
------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét