Thứ Năm, 26 tháng 12, 2019

Uyển chuyển linh hoạt, không từ bỏ mục tiêu

UYỂN CHUYỂN LINH HOẠT, KHÔNG TỪ BỎ MỤC TIÊU

Người có một nội tâm an hòa sẽ giống như nước: linh hoạt, mềm mỏng nhưng kiên cường. Bản chất của nước không thay đổi dù ở trong hoàn cảnh và trạng thái nào: rắn, lỏng hay hơi.

Khi gặp nhiệt độ quá thấp, nước sẽ đóng băng để thích nghi, khi gặp nhiệt độ cao, nước sẽ bốc hơi. Và khi gặp phải những tảng đá lớn, nước chỉ róc rách chảy qua, biến khó khăn trở thành bệ đỡ hữu ích để mở rộng dòng chảy của mình. Tương tự, cốt cách của một con người sẽ được rèn giũa và hình thành khi trong khổ nạn mà biến hóa sao cho phù hợp để đến được cái đích, chứ không phải biến đổi bản chất của mình. Đây chính là bí quyết và nguyên tắc để cân bằng cuộc sống cũng như đạt được thành công.
Có một câu chuyện thế này:
“Một chàng trai đến tìm nhà sư, anh hỏi:
– Thưa thầy con muốn buông xuôi vài thứ nhưng con do dự quá, con mệt mỏi vô cùng.
Nhà sư đưa anh ta 1 cái tách và bảo anh cầm, đoạn ông rót đầy tách trà nóng vừa mới pha xong.
Chàng trai thấy nóng quá nhưng anh vẫn không buông tay mà chuyển từ tay này sang tay kia cho đến khi nguội đi rồi uống và cảm nhận thấy rất ngon. Lúc này nhà sư từ tốn nói:
– Cứ đau là buông thì con đã bỏ lỡ những cái tốt đẹp sau đó rồi!”.
Câu chuyện trên cũng dạy cho chúng ta một bài học giống như sự vận động của nước: Cuộc sống luôn tràn ngập những điều khiến chúng ta “đau” và muốn “buông xuôi”, nhưng, liệu có phải cứ buông chúng ngay lập tức thì mới là tốt. Thực tế, linh hoạt chuyển hướng để đi tới cái đích mới là vấn đề trọng yếu. Trường hợp của một trong ba thiên tài gắn liền với “trái táo” dưới đây sẽ khiến chúng ta hiểu thêm sâu sắc đạo lý này.
Steve Jobs là được xem là một trong những “huyền thoại” của lĩnh vực công nghệ khi sáng lập gia công ty đình đám có giá trị hàng đầu thế giới: Apple. Để có được thành công và gây dựng nên tượng đài vững chắc như hiện tại, Steve Jobs đã phải đi một con đường dài với rất nhiều những gập ghềnh và sóng gió, từ những ngày chưa có gì trong tay, chỉ có người bạn chung chí hướng Steve Wozniak đến những ngày hoàng kim, ở trên đỉnh cao của danh vọng. Và khi Apple đã nổi danh thế giới, Jobs phải đối mặt với một thử thách khá lớn trong cuộc đời. Ông bị chính công ty bản thân dùng mồ hôi và nước mắt cả đời gây dựng sa thải vì bất đồng quan điểm với chủ tịch hội đồng quản trị.
Đó là khoảng thời gian tồi tệ nhất trong cuộc đời Steve Jobs. Nhưng sau này ông đã phát biểu: “Bị sa thải khỏi Apple là điều tuyệt vời nhất…”
Bởi vì, “nếu Apple không sa thải tôi, sẽ chẳng có xưởng phim hoạt hình máy tính Pixar và Toy Story… dù Apple có biến mất thì tình yêu đó vẫn còn…”. “5 năm sau khi bị sa thải, tôi dần gây dựng NeXT và Pixar, tôi gặp và yêu một người phụ nữ tuyệt vời – là vợ tôi. Pixar đã sáng tạo ra phim truyện hoạt hình đầu tiên trên thế giới – Câu chuyện đồ chơi (Toy Story), và giờ đây trở thành xưởng phim hoạt hình thành công số một.
Sau này, Apple mua lại NeXT, tôi trở về “nhà cũ”, những kỹ thuật mà NeXT phát triển đã trở thành nguồn sinh khí cho thời kỳ phục hồi của Apple. Tôi cũng có một gia đình hạnh phúc.”
Steve Jobs đã biết mềm mỏng buông sự muộn phiền, đau khổ và mất mát của bản thân cùng kế hoạch cho con đường tương lai của Apple đúng lúc, để ông hoàn thành một sứ mệnh khác, tạo dựng xưởng phim hoạt hình của riêng mình. Và chính ngã rẽ tưởng như chệch đường ấy, lại là một mảnh ghép vô cùng chuẩn xác, khiến Apple trong giấc mơ của ông hoàn thiện và vững mạnh hơn, và giúp cuộc đời của ông trọn vẹn – có được một người bạn đời cho mình.
Steve Jobs cũng giống như chàng trai cầm phải cốc nước nóng trong câu chuyện trên, khi lý tưởng và ước mơ còn bỏ ngỏ mà bị chính nơi mình dùng tâm huyết một đời gây dựng nên từ chối, ông đã cảm thấy rất mệt mỏi và muốn buông xuôi. Những thử thách khắc nghiệt ấy cũng giống như thứ nước nóng có thể khiến người ta bỏng rát và tổn thương, nhưng nếu chúng ta biết chuyển hướng, dùng một bàn tay khác để nắm, trong khi đó buông lỏng bản thân và nghĩ tới những cơ hội khác, cốc nước nóng ấy cuối cùng sẽ trở thành thứ nước thơm ngon và đáng quý.
Sự nhẫn nại và biến hóa linh hoạt của Steve Jobs cũng giống như nước, thấy được “Phúc” trong “Họa” để tiếp tục con đường cho riêng mình. Ông không vì những trở ngại nhất thời mà đánh mất lý tưởng và nhiệt huyết trong tim.
Đối diện với khó khăn, điều cần thiết và quan trọng không phải là một sức mạnh hay năng lực không gì đánh bại nổi, mà là biết linh hoạt khéo léo nhận ra thời cơ ở những điều xung quanh, nắm lấy nó và vun đắp để hướng tới một cái đích cuối cùng bền vững.
Sự linh hoạt này chính là biểu hiện của nước, dù là sức nóng, cái lạnh hay chướng ngại, cũng không làm biến đổi được bản chất của nước, mà chỉ khiến chúng trở nên đẹp và hoàn thiện hơn.

Thứ Bảy, 21 tháng 12, 2019

Chính cha mẹ tạo ra những đứa con vô ơn


Sự nuông chiều của cha mẹ tạo nên những đứa con vô ơn

(Sưu tầm từ "Gia đình bé nhỏ")

Hôm trước khi nói về hành trình bỏ quê ra đi, khổ cực mấy cũng lo cho con cái đủ đầy, có bạn nói điều đó chưa chắc tốt cho con bởi bạn biết có gia đình kia lo cho con cái không thiếu thứ gì, bây giờ các ông bà đó chiếm hết nhà cửa còn muốn đuổi cha già ra khỏi căn nhà cuối cùng.

Tôi nghĩ nhiều khi là nhân quả vay trả trong đời, hay chính sự giáo dục sai lầm của cha mẹ mà ra.
Chúng ta đôi khi vì thương con mà nuông chiều mù quáng, tước đoạt đi những cơ hội trưởng thành và tạo nên những con người ích kỷ, chỉ biết được cung phụng, hưởng thụ chứ không biết phục vụ và yêu thương.
Một đứa trẻ được bảo bọc từ nhỏ, cơm đút tới miệng, nước dâng tận môi, được dành cho những món ăn ngon, đồ chơi đẹp, muốn gì được nấy mà không biết những thứ đó từ đâu ra thì lớn lên chắc chắn đứa trẻ đó sẽ thành một con người chỉ quen hưởng thụ, nếu không được đáp ứng sẽ quay lại oán trách cha mẹ.
Một đứa trẻ được cha mẹ bảo bọc từ trong trứng nước, không từng sứt đầu mẻ trán, không từng đi xa một mình, không từng được thực hiện ước mơ… chắc chắn sẽ lớn lên với tâm lý ỷ lại và thụ động, chỉ trông chờ vào sự xếp đặt của người khác.
Một đứa trẻ không quen lao động, không biết cha mẹ mình đã khổ cực thế nào để kiếm tiền thì chắc chắn xem việc được nuôi nấng, bảo bọc là chuyện đương nhiên, không cần phải biết ơn dưỡng dục.
Những đứa trẻ được giáo dục thế nào sẽ hình thành tính cách như thế đó.
Mà tính cách của một con người đâu phải một ngày một bữa mà thành? Tùy nếp nhà, tùy sự dạy dỗ của gia đình mà ra. Những đứa con của tôi, từ ba bốn tuổi đã phải theo chân mẹ để biết mẹ làm gì? Cực khổ ra sao?
Các con được chứng kiến sự hình thành của một chiếc tàu từ lúc khởi công, trải mê, dựng nề, từ khi lắp vỏ, lắp máy đến lúc hạ thủy và ra khơi.
Con tôi được nhìn thấy những nhà hàng khang trang lộng lẫy được dựng lên từ đống hoang tàn đổ nát như thế nào? Thấy người ta xây tô, lát gạch, lợp nhà ra sao?
Con tôi có thể bị trầy da chảy máu, chịu nắng gió, bụi bặm nhưng mỗi ngày mỗi hiểu biết và trưởng thành. Con trai nhỏ tôi biết nói với bà ngoại mỗi khi tôi về trễ rằng: “Mẹ con làm nhiều việc lắm, cực lắm”.
Con gái tôi biết nói: “Con đã tu nhiều kiếp nên kiếp này con làm con của mẹ”. Con tôi biết rõ mẹ chúng đã cực khổ thế nào để chúng được đủ đầy.
Chúng biết mẹ đã lao động như thế nào để biết chính lao động tạo ra của cải vật chất chứ không phải chúng đang xài những đồng tiền có sẵn trong tài khoản mà không biết nguồn gốc từ đâu.
Các bà mẹ bán hàng online hay lao công quét rác, những bà mẹ điều binh khiển tướng hay làm công ăn lương đều có thể tự hào nói với con mình: “Mẹ đang lao động chân chính để nuôi con”.
Chúng ta lo cho con trong khả năng của mình và phải cho con biết điều đó.
Con tôi dù được đủ đầy nhưng chưa bao giờ được nuông chiều, chúng được dạy lễ nghĩa, được dạy tự chăm sóc bản thân mình, không được đòi hỏi và biết quý trọng đồng tiền.
Tôi không mong con tôi học giỏi toán hay viết văn hay, tôi chú trọng vào giáo dục thể chất và kỹ năng sống, học võ học bơi, biết nói lời cảm ơn xin lỗi, biết gọn gàng ngăn nắp, tôi dạy con tôi tránh bị qu.ấy rsối t‚ì‚n‚h d‚ụ‚c, bắt cóc, dạy con biết giữ vệ sinh chung, vứt rác đúng nơi, ho biết che miệng, không lớn tiếng nơi công cộng, biết suy nghĩ tìm giải pháp cho những quyết định của con và tự chịu trách nhiệm về những quyết định đó.
Trước khi mong con thành danh thì hãy giáo dục con thành “Người” trước đã – thành “Người tử tế”, tử tế với cha mẹ, và tất cả mọi người. Một người tử tế chắc chắn không phải là người vô ơn”.

Thứ Năm, 12 tháng 12, 2019

Tìm hiểu về Phật pháp

BÀI TÓM LƯỢC RẤT HAY VỀ PHẬT PHÁP.
BS Nguyễn Văn Bảo

Câu “Phật Pháp không phải là Phật Pháp cho nên gọi là Phật Pháp” xuất hiện trong nhiều cuốn Kinh Phật. Nó được nhắc lại nhiều lần trong kinh Kim Cang. Hãy phân tích để thấu hiểu ý nghĩa bao quát của câu kinh này.
Câu kinh có ba phần rõ rệt: Phật Pháp, không phải là Phật Pháp, cho nên gọi là Phật Pháp.

1/ Phần 1: Phật Pháp
 Trước tiên hãy phân biệt Phật Pháp và Kinh Phật

 - Phật Pháp ̣(Buddha’s teaching) là lời dạy từ chính cửa miệng của Như Lai trong suốt 50 năm giảng đạo. Ở thời điểm đó, Ấn Độ chưa có chữ viết. Những lời giảng của Ngài được chuyền khẩu từ thế hệ này qua thế hệ khác. (A Nan, người có trí nhớ siêu phàm và là đệ tử trẻ nhất trong 12 đại đệ tử là người có công nhiều nhất trong việc chuyền khẩu lời của Như Lai). Hậu qủa của việc chuyền khẩu là: cùng một ý tưởng của Như Lai mà các hệ phái lại diễn đạt khác nhau trong kinh sách của họ.
Đọc những kinh đó, rất khó biết đâu là lời nguyên thủy của Như Lai. Sau này người ta thỏa thuận với nhau rằng: những lời nào được nhiều cuốn kinh chép giống nhau thì có nhiều cơ may là lời nguyên thủy của Như Lai. Người ta còn nhận xét thêm được một điều đáng khích lệ: những lời chép giống nhau ấy đều bình dị, khúc triết, chân thành và khiêm nhượng, phù hợp với ngôn ngữ thường nhật của Ngài.
Như vậy, về phương diện xuất xứ, Phật Pháp chỉ nguyên thủy một cách tương đối chứ không tuyệt đối.
Về phương diện phẩm và lượng, Phật Pháp rất thâm thúy và phong phú (muốn ghi chép đầy đủ̉ phải cần cả ngàn trang). Mục tiêu là diệt khổ để giải thoát. Phật Pháp (còn được gọi vắn tắt là Pháp) là một trong tam bảo (ba thứ qúy báu): Phật (Buddha), Pháp (Buddha’s teaching) và Tăng (Community of the people who practice Buddism). Bài dạy đầu tiên và căn bản của Pháp là Tứ Diệu Đề (the four noble truths): Đau khổ, Nguồn gốc của đau khổ, Cần diệt khổ, Tám phương thức để diệt khổ.
- Kinh Phật là những cuốn kinh do các hệ phái Phật giáo viết ra dựa trên một hay nhiều câu nói của Như Lai. Có hai hệ phái chính là Tiểu thừa và Đại thừa. Hai hệ phái này lại chia thành nhiều hệ phái nhỏ. Tổng cộng có hàng chục hệ phái khác nhau. Mỗi hệ phái viết ra một hay nhiều cuốn kinh cho phật tử và tăng ni tụng niệm. Tổng cộng có gần một ngàn cuốn Kinh Phật đã được viết ra (từ lúc có chữ viết) sau khi Như Lai nhập diệt. Như vậy Kinh Phật là kinh chép những lời của Phật mà các hệ phái đã sửa đổi rồi pha trộn với học thuật và phong tục của địa phương (tỷ dụ khi tới Trung quốc thì pha trộn với Khổng học và Lão học thành tam giáo đồng nguyên). Vì thế cho nên ta thấy đầy rẫy những “ánh hào quang” và “phép thần thông” trong Kinh Phật. Pháp Hoa, Hoa Nhiêm, Niết Bàn, Kim Cang… là những cuốn Kinh Phật quan trọng nhất.

2/ Phần 2: Không phải là Phật Pháp

 Phần này phủ định phần 1. Phủ định một chân lý ngay sau khi vừa xác định nó là một kỹ thuật diễn tả độc đáo của Phật học. Một đặc điểm nữa: càng phủ định một chân lý càng làm cho nó thâm thúy hơn. Hãy thử áp dụng kỹ thuật phủ định của Phật học để giải thích phần 2 này:
a/ Phủ định thần linh:
Phật học phủ định thần linh một cách nhẹ nhàng, không gay gắt như thuyết Duy Vật. Nhiều người đã hỏi Như Lai về thần linh và Ngài chỉ trả lời một câu duy nhất: “Đạo của ta là diệt khổ. Có hay không có thần linh không liên hệ gì tới sự diệt khổ nên ta không nói”.
Phật học không đề cập tới Thượng Đế vì không biết gì về Ngài. Phật học và khoa học có chung một thái độ liên quan tới Thượng Đế: không biết thì không nói.
b/ Phủ định phép lạ:
Sự phủ định phép lạ của Phật học được hình thành trong giai thoại này: Trong khi chờ đợi qua đò, Như Lai và hai đệ tử chứng kiến một đạo sĩ Bà La Môn biểu diễn phép khinh công qua lại trên sông và khoe rằng đã khổ luyện 20 năm mới học được phép đó. Thấy hai đệ tử có vẻ thán phục, Ngài móc một đồng xu trong túi ra và nói rằng: “ Gã đó phải khổ luyện 20 năm mới sang sông được một mình. Thày chỉ cần dùng đồng xu này trả cho anh lái đò là cả ba thày trò mình đều sang sông dễ dàng”. Một xu của Như Lai có hiệu qủa hơn 20 năm khổ luyện của gã đạo sĩ phù thủy!
c/ Phủ định giáo chủ:
Trong một cuộc hành hương, Như Lai gặp một sa di trẻ và khôi ngô trong một am vắng. Cuộc đối đáp diễn tiến như sau:
-Thày của chú là ai?
-Thày của con là đức Phật.
-Diện mạo của Phật thế nào?
-Con chỉ nghe danh và học Pháp của Ngài chứ chưa hề gặp Ngài.
-Nếu được gặp, chú có thể nhận ra Ngài hay không?
-Thưa không.
-Tôi cũng có một Pháp. Chú nghe thử nhé!
Sau khi nghe bài giảng, sa di bèn qùy gối thưa rằng:
-Vậy thì chính Ngài là Phật rồi. Kính xin Ngài nhận con làm đệ tử.
– Đừng vội nhận ta là giáo chủ chỉ vì ta là Phật. Trước tiên con phải thấu hiểu Pháp của ta. Kế tiếp phải đồng ý với nó. Rồi phải thực thi nó trước khi nhân ta là giáo chủ.

d/ Phủ định giáo điều:
Chấp nhận Pháp để tu tập thì giải thóat. Giải thoát là thành qủa của sự tu tập chứ không phải thưởng thí của thần linh. Không chấp nhận cũng không bị trừng phạt.

 e/ Phủ định thờ phụng:
Không buộc tín đồ phải lễ bái hoặc cầu khẩn. Cầu tài, cầu lộc, cầu an…không phải là cứu cánh của Pháp.

 f/ Phủ định độc tôn:
 Một danh sư Ấn-Độ giáo gửi hai đệ tử tới chất vấn Như Lai. Sau cuộc đàm đạo, hai người xin ở lại làm đệ tử của Phật. Như Lai phán rằng: “Thày của hai ông là một tu sĩ đáng kính. Ngài chưa hề phụ hai ông. Vậy hai ông chẳng nên phụ Ngài. Hai ông có thể thực thi Pháp của tôi trong khi vẫn tôn Ngài làm giáo chủ”. Sau này cả ba thày trò đều thành đệ tử của Phật.
Phật pháp phủ định độc tôn nên luôn luôn đứng ngoài các cuộc thánh chiến thảm khốc giết hại hàng trăm triệu người vô tội. Phật Pháp còn gián tiếp tạo cơ may cho tín đồ của những tôn giáo khác nhau chung sống hoà bình.

 g/ Phủ định quyền phép:
 Như Lai từng than rằng cái nghiệp của Hoàng gia của Ngài qúa nặng do đã giết hại qúa nhiều sinh linh mà không chịu tu tập Pháp để cải nghiệp; sau này hoàng gia ắt gặp tai ương. Qủa nhiên, không lâu sau khi Ngài nhập diệt, hoàng gia của Ngài bị tiêu diệt. Chuyện này nói lên rằng Phật Pháp trụ ở việc dạy ta tu thân tích đức để tự cứu lấy mình, không trụ ở việc cứu nhân độ thế. Như Lai không cứu nổi hoàng gia của Ngài thì hiển nhiên Ngài không phài là đấng cứu thế. Phật tử phải thực thi Pháp để tự cứu mình, Như Lai không có quyền phép cứu phật tử. Không có đấng cứu thế trong Phật Pháp.

 h/ Phủ định tội tổ tông:
 Phật Pháp không chấp nhận tội tổ tông (rất phù hợp với luật pháp hiện hành của nền dân chủ). Ai làm phúc thì hưởng phúc. Ai gây tội thì đền tội. Chỉ lãnh cái tội do chính mình gây ra. Gây nhiều tội mà đền tội chưa hết thì vẫn chưa được tha. Tuyệt đối không có việc qùy gối xám hối trước Phật đài trong giờ lâm tử thì được tha hết tội đã phạm.
Tóm lại, phần 2 (không phải là Phật Pháp) phủ định cái chất tôn giáo của phần 1 ( phủ định những lợi khí mà các tôn giáo thường dùng để giữ đạo và truyền đạo ). Nó ngụ ý rằng Phật Pháp không lệ thuộc thần linh, không lệ thuộc phép lạ, không trụ ở quyền lực, không trụ ở giáo lý, không trụ ở giáo chủ, không trụ ở nghi lễ, không trụ ở thưởng thí và trừng phạt. Người phật tử có toàn quyền tự do tín ngưỡng và là người duy nhất có quyền tự kết tội hoặc tự tha tội cho mình nếu hành xử theo như Pháp dạy. Pháp là cao qúy nhất. Theo Pháp là có quyền tự do, là có quyền tự chủ, là có nhân quyền, là không lệ thuộc ai và không khiến ai lệ thuộc mình, là giác ngộ, là giải thoát, là thành Phật.

3/ Phần 3: Cho nên gọi là Phật Pháp
Phần này phủ định cả hai phần 1 và 2 và cũng là một trong những điều cao thâm nhất của Phật học.

 Phần 1 ( Phật Pháp ) giới thiệu đường lối đi từ trần tục tới Niết Bàn. Đường lối này, thoạt nhìn, giống hệt một tôn giáo.
Phần 2 ( không phải là Phật Pháp ) phủ định đường lối ấy, nói rằng nó chỉ là sự diệt khổ. Phủ định cái Niết bàn ấy, nói rằng nó chỉ là cõi hư vô để giải thóat phận người. Phủ định cái tôn giáo ấy, nói rằng nó chỉ là cái Pháp dạy con người giải thóat, giống như cái bè giúp ta sang sông (sẽ nói rõ hơn trong phần 3).
Phần 3 ( cho nên gọi là Phật Pháp ) phủ định luôn phần 2 sau khi xác định nó. Hai danh ngôn của Như Lai dưới đây sẽ giải thích thỏa đáng phần 3 này.

a/ Danh Ngôn của Như Lai trích trong bài Phật Pháp và Chiếc Bè (có thể đọc toàn bài ở phần phụ bản)

 Như Lai hỏi 1 trong 12 đại đệ tử : “Sau khi giải thóat con sẽ xử trí đạo của thày ra sao?”
Đệ tử đáp: “ đạo của thày rất nhiệm mầu. Sau khi giải thoát con sẽ khắc trong tim và giữ mãi trong đầu.”
Như Lai phán: “Con hiểu chưa thấu. Đạo của thày giúp con giải thoát giống như chiếc bè giúp con sang sông. Khi đã đáo bỉ ngạn (sang bờ bên kia) con nên bỏ chiếc bè ấy lại cho người khác dùng, đừng tiếp tục đội nó trên đầu mà đi”
Ý của Như Lai thật minh bạch. Khi một người đã đắc đạo thì đạo pháp chẳng còn có ích lợi gì cho người ấy nữa. Tiếp tục giữ nó trong đầu tức là nô lệ giáo điều.

 Còn nô lệ gíao điều thì vẫn chưa giải thoát.
Phật dạy ta đừng nô lệ bất cứ điều gì kể cả Phật Pháp bởi vì vạn sự đều vô thường. Trong lúc tu hành ta dùng Pháp như chiếc bè để vượt bể khổ. Lúc này Pháp là hữu. Khi đắc đạo, Pháp trở thành không. Đến lúc đó mà còn bị Pháp trói buộc thì thật sự chưa giải thoát.
Vậy thì Phật Pháp cũng vô thường. Nó chỉ thường hằng (trường cửu) đối với người chưa giải thoát vì kiếp sau người đó vẫn phải dùng nó để tu thân. Người đã giải thoát thì không cần tới nó nữa. Đây là vô thường tương đối.
Địa cầu rồi sẽ chết, khi địa cầu chết thì Phật Pháp cũng chết theo. Vậy Phật Pháp sẽ vĩnh viễn vô thường chứ không thường hằng như một số hòa thượng đã từng thuyết giảng. Đây là vô thường tuyệt đối.
b/ Danh ngôn cuối cùng của Như Lai

 Vào năm cuối cùng trước khi nhập diệt, Như Lai phán rằng: “Ta giảng đạo suốt 50 năm mà chưa hề nói một lời nào”.
Đây là câu phủ định cuối cùng của Như Lai. Thâm sâu vô cùng. Cao siêu vô cùng. Mạnh mẽ vô cùng. Khiêm nhượng vô cùng. Câu này tuy phủ định Phật Pháp mà kỳ thực làm cho Phật Pháp cao thâm hơn. Ý nghĩa của câu này nằm gọn trong bài Phật Pháp và Chiếc Bè vừa trình bày ở trên.

 Danh ngôn này còn phủ định cả ba yếu tố của Tam Bảo:
Mục tiêu của Tăng là giác ngộ để thành Phật. Vậy thì Tăng không qúy bằng Phật nghĩa là phủ định Tăng sau khi Tăng thành Phật.
Phật nhập diệt mà Pháp vẫn còn. Vậy thì Phật không qúy bằng Pháp nghĩa là phủ định Phật sau khi đã có Pháp.
Còn Pháp thì sao? Pháp có thường hằng (vĩnh cửu) không? Khi đã giải thoát thì không cần tới Pháp nữa nghĩa là phủ định Pháp sau khi giác ngộ. Nói cách khác, Pháp cũng vô thường như Phật và Tăng.

KẾT LUẬN
Câu “ Phật Pháp không phải là Phật Pháp cho nên gọi là Phật Pháp” có nghĩa là Phật Pháp giống một chiếc bè để sang sông, chứ không giống một tôn giáo để lệ thuộc. Sang sông rồi thì bỏ bè lại để giải thoát. Như thế mới gọi là Phật Pháp.

Thứ Tư, 13 tháng 11, 2019

AI HẠI ĐỜI TA


A, AI HẠI ĐỜI TA


“Chỉ có bệnh mới hiểu
Thân mình đau nhường nào
Chỉ thân mình mới hiểu
Bệnh đi đâu về đâu!” - (Nhái thi sĩ Xuân Quỳnh)-PNP

Người được vợ chồng yêu 
Oái oăm hay yểu mệnh
Để lại người bạn đời
Cô đơn trên đời lạnh

Khi yêu đương lập thất
Trẻ, trí chưa rộng sâu
Làm sao người ta biết
Quy luật cơ thể nhau

Đàn ông sức tài cao
Nhưng vào hạn “Cua Lột” (25 - 37 - 49 đến 53, 63, ...)
Không ai ngờ sức suy
Gắng thêm là “Sên tuột”

Thể thao - làm cố chút
Nhậu thêm mức vài ly
Phòng the khi cảm mệt 
Nào ai ngờ ... ra đi
———-

Nữ nhi sức bền lắm
Nhưng sau sinh, bấy người
Không biết dưỡng - bồi bổ
Nhanh sức suy, xuống đời.

Sanh con xong, sồ tướng
Cảm thấy sức giảm nhanh
Chưa ai lạnh đã lạnh
Đi nắng chút, máu căng

Cô nào chồng thông minh
Biết nâng niu chăm sóc
Biết giữ gìn thuốc thang
Sau tuổi Xuân bền chắc 

Kém may chồng bí đặc
Chẳng biết giữ gìn hoa
Của sao bền, người phá
Sau sắc tàn, khổ ta

Sau sanh con, phụ nữ
Như là được sinh ra
Sẽ thăng lên vẻ đẹp 
Hay trí tuột, nịu nghe (trí nhớ giảm sút, nói nịu)
.......

“Chỉ có bệnh mới hiểu
Thân mình đau nhường nào
Chỉ thân mình mới hiểu
Bệnh đi đâu về đâu!”

Bệnh trong người mình đau
Vợ chồng làm sao biết 
Lắng nghe cơ thể mình
Biết nghỉ khi mỏi mệt

Đừng để bị thúc ép
Bởi vợ chồng, người thân
Bệnh mình, mình cảm được
Bác sĩ chỉ hỏi thêm

Cần thiết, rời người thân 
Để chuyên tâm dưỡng bệnh
Khỏe mới giúp người thân
Yếu, thân lo còn mệt

Một điều tâm sự thật
Bệnh tật chỉ khởi đầu
Còn lại thuốc - bác sĩ
Và người thân “kết đau”
.....

Đừng chết thiếu hiểu biết
Tạo hoá tạo người ta
Cho sẵn tự hồi phục
Bình tĩnh chữa, sẽ qua
Quá sợ, thuốc mạnh - mổ
Sống được cũng chẳng xa
     PNP-SG-13/11/2019

Thứ Sáu, 8 tháng 11, 2019

7 loại người không được cưới


7 LOẠI NGƯỜI KHÔNG ĐƯỢC CƯỚI 

Con ơi nhớ lấy lời này
Bảy loại người vầy mau tránh cho xa!

1-Loại người ích kỷ
2-Loại người lẳng lơ
3-Loại người ham danh lợi
4-Loại người lười biếng
5-Loại người ngu ngốc “hữu tướng vô não”
6-Loại người ghen tuông mù quáng
7-Loại người tự coi mình là nhất

1-Loại người ích kỷ
Thành niên rường cột nước - nhà
Chồng vợ ích kỷ, kể là thôi xong
Họ chỉ biết họ thôi con
Chăm chút thân họ, mặc con gánh gồng

Việc nhà, việc họ, việc công
Mặc con lo liệu rụng lông tróc đầu
Kẻ ích kỷ, đòi hỏi nhiều
Chẳng muốn cống hiến, biết điều là mơ

Phải nhìn ra, lúc còn sơ
Thử chia quà cáp, đợi chờ anh/em

Ích kỷ chỉ biết thân riêng 
Chờ mình mươi phút đã điên nạt rồi
Mình chở nửa tiếng, họ cười
Cứ như họ mới là người ban ơn

Chia quà, luôn đòi phần hơn
Quà là chuyện nhỏ, nhìn tâm ngán òm 
.....

2-Loại người trăng hoa lẳng lơ:
Nấu cơm chớ để cơm khê 
Lấy vợ chồng chớ để mê lắm người
Người tính lẳng, chết không rời
Quan hệ mờ ám, lả lơi khó lường

Làm ăn đã mệt đủ đường
Còn đau tim óc rình phường lẳng lơ
Chưa cưới là trai gái tơ
Cưới rồi đầu mọc sừng ô, quá nhiều

Phải nhìn ra thói “Tình Điêu”
Đong đưa mắt liếc, lời xiêu gạ tình
Dứt ngay từ thuở mới tinh
Thấy zai gái đẹp, động tình buông câu
.....

3-Loại người ham danh lợi
Những kẻ thấy người sang giàu
Thì đã tươm tướp buông câu trao tình
Họ đến với ta vì tiền
Gặp kẻ hơn nữa, họ liền bỏ ta
Bấy giờ đau đớn xót xa ...
Cho nên phải chóng nhận ra kẻ này

Mới quen, bình dân thử tay
Từ trang phục đến xe này, coi sao
Hẹn ăn nhà hàng “ngàn sao”
Để xem cốt cách làm cao chàng nàng
Kẻ hám danh lợi, ngán hàng
Khi không thấy nét giàu sang mong cầu
Ơn Zời, họ chê mình nghèo ...
......

4-Loại người lười biếng
Mèo lười bắt chuột, nuôi chi
Nam nữ lười biếng, vứt đi cho rồi
Vô Phước cưới về, thúi đời 
Nhà cửa con cái, ... ôi trời, mình ta
Nhà như chuồng lợn, nhà ma ...
Loại người này phải tránh xa, chớ gần

Làm sao biết được lười nhân?
Nữ thời xem bếp - áo quần “nhà mang”
Phụ nữ mà bếp “toang hoang”
Nấu ăn đã dở, gọn gàng cũng không

Ngắm đồ ra đường, bằng không
Nhìn đồ đi ngủ, biết tong siêng-lười
Mùng mền chiếu gối của người
Sẽ nhanh tố cáo tánh lười hay siêng

(Nam lười, xe không thể êm
Bánh mềm, phanh tuột, đèn đêm tối mò
Nổ máy kêu rung như bò
Chắc chắn lười nhác, nên cho rớt đài)
.....

5-Loại người ngu ngốc “hữu tướng vô não”
Lên đồ trông tướng cũng sang
Mở miệng ra nói, cả làng chạy mau
Câu trước nói đá câu sau
Chẳng hề chặt chẽ, vàng thau thấy liền

Lập nghiệp gian khó triền miên
Gặp “não châu chấu” thì phiền lắm thay
Di truyền con cái mới gay 
Mấy đời ngu, chết họ này mất thôi
Đẹp mấy cũng phải cho rơi ...
......

6-Loại người ghen tuông mù quáng
Sai lầm tưởng “yêu mới ghen”
Kẻ ghen mù quáng, với điên khác gì
Trong lòng ám ảnh một khi
Ghen cả cái bóng chó phi qua đường
Làm ta mệt mỏi vô cùng
Mất hết quan hệ cộng đồng làm ăn
Cưới kẻ này, như cưới điên
Phải loại tức khắc mới quen vòng đầu

Nhận ra chẳng khó lắm đâu
Mới quen là đã chặn đầu chặn đuôi
Ra vẻ “sở hữu của tôi”
Nhất cử nhất động phải tôi cho làm
Loại này, cho rớt khỏi bàn ...
.....

7-Loại người tự coi mình là nhất:
Trên cao duy nhất mặt trời
Thế gian duy nhất “tôi người thế thiên”
Mắt hí coi trời bằng vung
“Mắt chó nhìn người thấp”, thế gian không người
Ý tôi chính là “ý trời”
Cãi tôi là dám cãi trời, to gan

Dễ nhận ra kẻ “ngu ngang”
Nói chuyện hỏi ý chàng nàng, thấy ngay
Đã ngu lỳ lợm, cho bay ...
————
Con ơi nhớ lấy lời này
Bảy loại người vầy mau tránh cho xa!
        PNP-SG-08/11/2019