Thứ Hai, 30 tháng 10, 2017

NHỮNG THÁNH NHÂN ẨN MÌNH

NHỮNG THÁNH NHÂN ẨN MÌNH 


Bị mọi người cười nhạo vì đào đất trong rừng, 27 năm sau cả làng biết ơn anh khi thấy ‘kỳ tích’

Vì muốn cải thiện tình trạng thiếu nước nghiêm trọng tại khu vực mình sinh sống, cậu bé Ấn Độ 15 tuổi đã lên kế hoạch đào ao tại một khu đất trống trong rừng. 27 năm sau, ai cũng phải nể phục khi cậu bé năm nào đã hoàn thành được ý tưởng tưởng chừng như điên rồ đó của mình.

Suốt nhiều năm liền, người dân ở ngôi làng Saja Pahad của tỉnh Koriya, bang Chhattisgarh, Ấn Độ luôn phải sống chung với tình cảnh thiếu thốn nước nghiêm trọng.
Vì khu vực mình sinh sống gần như tách biệt với thế giới bên ngoài, lại chỉ có 2 giếng nước phục vụ hàng trăm con người vậy nên khi chứng kiến cảnh tượng gia súc, gia cầm đói khát, người dân chẳng thể làm gì để cứu vãn tình hình. Trong khi đó, chính quyền địa phương cũng chẳng đưa ra được giải pháp gì để cải thiện tình thế.Shyam Lal (khi ấy mới 15 tuổi) đã quyết tâm làm một việc gì đó để giúp đỡ những người thân yêu. Sau nhiều ngày suy nghĩ, cuối cùng, Shyam Lal đã lên kế hoạch đào một cái ao thật lớn với hy vọng có thể tích trữ và cung cấp đủ nước cho người trong làng.

Ông Shyam Lal đã quyết tâm đào ao, giúp đỡ người dân trong làng khắc phục tình trạng thiếu nước.


Khi biết được việc làm của Shyam Lal, không ít người dân trong làng bật cười, cho rằng hành động của cậu bé thật ngu ngốc và vô ích. Vậy nhưng, bất chấp mọi lời đàm tiếu và chê bai, Shyam Lal vẫn kiên trì với kế hoạch của mình.
Sau khi tìm được 1 địa điểm thích hợp trong rừng, Shyam Lal đã bắt tay thực hiện ngay kế hoạch của mình. Và không ai có thể ngờ rằng, công việc ấy lại kéo dài tới 27 năm, cho tới khi Shyam Lal đã trở thành người đàn ông 42 tuổi.
Theo Hindustan Times, kết quả cho sự nỗ lực không ngừng của người đàn ông Ấn Độ sau gần ba chục năm miệt mài đó là một ao nước rộng tới 0,4 héc ta và sâu 4,5m, có thể chứa được rất nhiều nước phục vụ cho các hộ gia đình.
“Không ai giúp tôi, kể cả người dân và các cơ quan chính quyền”, ông Shyam Lal chia sẻ với niềm tự hào hiện rõ trên mặt. Ông cho biết tất cả những gì mình làm chỉ là để giúp đỡ phần nào cho người dân và các loại vật nuôi trong làng.

Sau 27 năm trời, ông Shyam Lal đã thực hiện được kế hoạch của mình.

Trước những gì mà Shyam Lal đã làm, người dân trong làng đã coi ông như một vị cứu tinh, một tấm gương sáng để noi theo và học tập. Ông Ramsaran Bargar (70 tuổi), người đã chứng kiến toàn bộ quá trình đào ao vất vả của Shyam, cho biết “Giờ đây, mọi người đều dùng cái ao này và chúng tôi thực sự biết ơn cậu ấy”.
Theo nhiều nguồn tin chia sẻ trên tờ Hindustan Times, người dân ở làng Saja Pahad vốn chẳng có điện hay những con đường kết nối với thế giới bên ngoài. Nguồn nước duy nhất mà họ có được là từ 2 chiếc giếng.
Vào ngày thứ Sáu tuần trước (25/8), ông Shyam Bihari Jaiswal, đại diện cho quan chức cấp cao tại địa phương, đã tới thăm làng Saja Pahad và trao tặng 10.000 Rupees (khoảng 3,5 triệu đồng) cho những nỗ lực của ông Shyam Lal.
Trong khi đó, ông Narendra Duggal – người phụ trách thu thuế của tỉnh Koriya cũng hứa sẽ hỗ trợ cho ông Shyam Lal. “Tôi cũng mới biết về câu chuyện của ông Shyam gần đây. Nỗ lực mà ông ấy dành cho ngôi làng của mình thật đáng khen ngợi, tôi sẽ tới đó và hỗ trợ cho ông ấy tất cả những gì có thể”, ông Narendra Duggal khẳng định.

Ông Dashrath Manjhi cũng từng dành 22 năm để đẽo đá làm đường.

Kỳ tích của Shyam Lal đã khiến bao người bồi hồi nhớ lại câu chuyện đẽo đá làm đường của ông Dashrath Manjhi. Suốt 22 năm (từ năm 1960 đến năm 1983), ông Manjhi đã không quản ngày đêm, cứ lúc nào rảnh tay là ông lại đem búa, đục ra ngọn núi gần làng Gehlour, phía đông bang Bihar để cặm cụi đục đẽo.
Sau khi ông Manjhi hoàn tất việc tạo thành lối mòn xuyên núi, quãng đường 55km đường vòng đi từ Atri tới Wazirgani (nằm ở Gaya, bang Bihar) đã được giảm xuống chỉ còn 15km khi người ta đã có thể đi thẳng xuyên qua núi.

Ông Dashrath Manjhi ở thời điểm trước khi qua đời năm 2007, thọ 73 tuổi. Lễ tang của ông đã được chính quyền địa phương tổ chức trọng thể.
Quả thực, qua 2 câu chuyện trên, chúng ta mới càng thấm thía được câu nói “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền”. Nếu đã có kế hoạch gì, hãy kiên trì theo đuổi nó đến cùng, chắc chắn, dù sớm hay muộn bạn cũng sẽ đạt được thành quả mà mình mong đợi.

Theo Thời Đại


Chủ Nhật, 29 tháng 10, 2017

CAO TĂNG THỌ 120 TUỔI, VẪN PHẢI CHỊU ÁC NGHIỆP

CAO TĂNG THỌ 120 TUỔI, VẪN PHẢI CHỊU ÁC NGHIỆP



Thiền sư Hư Vân (1840 – 1959) là một cao tăng nổi tiếng của Trung Hoa. Xoay quanh ông có rất nhiều câu chuyện kỳ lạ, hàng trăm năm vẫn khiến hậu thế cảm thán khôn nguôi. 
Theo cuốn “Niên phổ tự thuật” của hòa thượng Hư Vân, khi mới sinh, ông chỉ là một khối thịt. Mẹ ông là Nhan thị khi sinh thể lực suy yếu, tuổi cao, vừa trông thấy hình hài con thì khiếp sợ quá nên tắt thở qua đời. Ngày hôm sau có người bán thuốc đến mở miếng thịt ra, bên trong là một bé trai trắng trẻo, mập mạp, chính là Hư Vân hòa thượng sau này. Từ thời kỳ nhà Thanh, Hư Vân hòa thượng đã nổi tiếng là một bậc cao tăng đắc đạo, tiếng thơm tỏa khắp xa gần.
Từ Hy Thái hậu rơi nước mắt bái lạy Hư Vân hòa thượng
Năm Quang Tự thứ 26 (năm 1900), giặc ngoài đánh vào Bắc Kinh. Kinh thành đại loạn khiến Hoàng hậu, Thái hậu, đại thần, thái giám, cung nữ đều phải chạy lánh nạn ở Trường An (nay là Tây An). Khánh thân vương nghe tin lão hòa thượng Hư Vân là cao tăng đắc đạo liền mời ông làm bầu bạn trên đường đi về phía Tây để giữ bình an.
Khi đó là tháng 8 nóng bức, thi thể người chết thối rữa la liệt khắp mặt đất, bệnh dịch bao vây Trường An. Khắp nơi toàn là người chết đói, người sống phải ăn thịt người chết. Hư Vân hòa thượng lập tức tấu lên Hoàng thượng ban lệnh cấm người sống ăn thịt người chết và huy động tất cả những người giàu có mở kho lương thực dự trữ để cứu tế dân bị nạn.
Hư Vân hòa thượng thương xót chúng sinh, muốn tổ chức một đại lễ cầu tuyết trong 7 ngày ở thiền tự Ngọa Long, hy vọng trời cho tuyết rơi xuống để trừ bệnh dịch. Trước đó, có người thầm khuyên can: “Đại họa đại nạn khác thường, chúng sinh không thể làm trái, lỡ cầu tuyết không khéo, bề trên phẫn nộ phạt ngài tội khi quân, kéo ra chém đầu có đáng không?”. 
Nhưng Hư Vân hòa thượng vẫn không màng chuyện sinh tử. Ở thiền tự Ngọa Long nhờ sự trợ giúp của Phương trượng hòa thượng Đông Hà cùng toàn thể tăng nhân trong chùa, họ dựng đàn và chuẩn bị những đồ cử hành nghi lễ… Ở Tây An, uy đức của Hư Vân đã thu hút cả ngàn tăng nhân đến chùa. Các hòa thượng quanh năm ẩn cư ở Chung Nam Sơn cũng ra khỏi núi trợ giúp, các tín đồ Phật giáo nghe tin cũng từ bốn phương tám hướng kéo tới.


Hư Vân hòa thượng thương xót chúng sinh, muốn tổ chức một đại lễ cầu tuyết trong 7 ngày ở thiền tự Ngọa Long, hy vọng trời cho tuyết rơi xuống để trừ bệnh dịch. Ảnh dẫn theodharmasite.net

Pháp đài cao rộng 3,3 trượng, ở trên có tượng Phật Thích Ca Mâu Ni, Phật A Di Đà, Quán Thế Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát. Hai bên pháp đài có hai cột cờ cao treo cờ Phật chữ vàng dài hơn ba trượng, một mặt viết “Nam mô Sa Kiệt La Long Vương Bồ Tát Ma Kha Tát”, một mặt viết “Nam mô tùy phương phổ ưng hành tuyết Long Vương thánh chúng Bồ Tát”. Trên Phật đài phủ miếng vải vàng, có đủ hoa tươi, trái cây, nhang đèn.
Hư Vân cùng 9 pháp sư thân khoác cà sa màu vàng ngồi tọa thiền trên đài, kết ấn làm pháp suốt 7 ngày đêm. Dưới đài, hai bên là 108 vị tăng nhân liên tục tụng thần chú cầu tuyết, 360 vị tăng nhân dẫn dắt tín chúng hành lễ Đại Bi Sám, những tăng ni khác dẫn dắt tín chúng niệm Phật hiệu A Di Đà không ngừng.
Đến sáng ngày thứ 7 quả nhiên mây đen kéo đến. Buổi chiều đại tuyết tung bay. Sau trận đại tuyết các tăng ni ai về chùa nấy. Duy chỉ Hư Vân vẫn ngồi trên pháp đài trơ trọi niệm chú thi pháp. Ông không thể đứng lên, vì chuyện hạn hán hết năm này qua năm khác không thể giải quyết trong vài giờ đại tuyết. Còn dịch bệnh ở thành Trường An cũng cần thêm vài ngày đại tuyết mới có thể giải quyết dứt điểm. Nếu ông đứng lên thì tuyết sẽ ngừng rơi, lễ cầu tuyết giải nạn sẽ dang dở giữa chừng. Khi ấy, tuyết rơi ngày một lớn, nhiệt độ càng lúc càng xuống thấp. Qua 7 ngày, ngàn dặm trong ngoài thành Trường An đều kín băng, tuyết bay khắp nơi.
Trận đại tuyết liên tiếp trong mấy ngày đã loại bỏ dịch bệnh và khô hạn. Thái hậu Từ Hi ngồi kiệu cùng đi với đội vệ binh đến thiền tự Phục Long. Bà muốn đích thân đến thăm lão hòa thượng đã giúp đỡ triều đình trừ nạn cho bách tính, có khả năng hô mưa gọi gió. Dù tuyết tung bay khắp nơi nhưng khi ấy Hư Vân hòa thượng vẫn tiếp tục ngồi thiền trên đài trơ trọi, không ngừng niệm chú làm pháp. Cảnh tượng ấy khiến “lão Phật gia” xưa nay chỉ có muôn dân khom lưng cúi chào này cảm động rơi nước mắt. Bà quỳ xuống nền tuyết cúi gập đầu hướng về phía vị cao tăng.


Trận đại tuyết liên tiếp trong mấy ngày đã loại bỏ dịch bệnh và khô hạn. Thái hậu Từ Hi ngồi kiệu cùng đi với đội vệ binh đến thiền tự Phục Long. Ảnh dẫn theo mb.dkn.tv

Túc thân vương, Khánh thân vương sau đó còn ngỏ ý mời cao tăng sau này trở về Bắc Kinh cùng họ để chỉ bảo Phật pháp. Nhưng một buổi sáng đầu tháng 10, lão hòa thượng Hư Vân vốn xem danh lợi như mây khói đã lặng lẽ rời khỏi Trường An, sau đó ẩn cư ở Chung Nam Sơn. Ông tiếp tục nhập định 23 ngày làm kinh động thiên hạ.
Năm Quang Tự thứ 27 khí trời lạnh giá, tuyết phủ khắp nơi, cái rét như cắt da cắt thịt. Lão hòa thượng sống một mình trong bụi cỏ tranh, thân tâm thanh sạch. Vào một ngày ngồi xếp bằng bên nồi khoai sọ chờ khoai chín, ông bất giác nhập định đến tháng Giêng năm sau.
Một hàng xóm trong núi là sư Phục Thành chờ lâu không thấy mặt lão hòa thượng bèn đến bụi cỏ tranh chúc Tết, thấy bên ngoài đầy dấu chân hổ, khi vào trong thì lão hòa thượng nhập định. Ông cầm cái khánh đánh động hỏi: “Lão hòa thượng đã ăn gì chưa?”. Hòa thượng trả lời: “Chưa, đang luộc khoai môn, đã chín rồi”. Khi mở nắp nồi ra thì thấy trong nồi đã mốc meo hết cả, sư Phục Thành kinh ngạc thốt lên: “Ông chắc là đã ngồi đó hơn nửa tháng rồi”.
Để lại dự ngôn kỳ lạ cho Tưởng Giới Thạch
Theo tư liệu ghi chép lại, tháng 11/1942, Lâm Sâm, Chủ tịch Trung Hoa Dân Quốc tới Nam Hoa thiền tự, nghênh thỉnh Hư Vân hòa thượng đến Trùng Khánh chủ trì “Pháp hội đại bi giải tai ương hộ quốc” ngày 9/12, do Lâm Sâm, Tưởng Giới Thạch khởi xướng. Hư Vân hòa thượng nhận lời, sau đó đồng thời cử hành đàn tế ở 2 chỗ khác nhau là Từ Vân tự, Hoa Nham tự, kỳ hạn 49 ngày.
Lúc ấy có rất nhiều chính khách của Trung Hoa Dân Quốc cũng đều theo làm môn đồ của Hư Vân hòa thượng. Hơn nữa Hư Vân cũng là thượng khách của Tưởng Giới Thạch. Trong ngày diễn ra pháp hội, Tưởng Giới Thạch hỏi Hư Vân hòa thượng về chiến tranh kháng Nhật và đại chiến thế giới thứ 2 sẽ kết thúc ra sao. 
Nhưng hòa thượng Hư Vân không trả lời thẳng câu hỏi đó. Ông suy nghĩ một chút, từ trong túi lấy ra tờ giấy ghi chép câu trả lời, bảo người phục vụ mang ra một cái kéo, cầm kéo cắt mảnh giấy thành hình vuông, rồi gấp chéo 3 lần, sau đó cắt ngang. Giấy bị cắt xong rơi xuống, mở ra, trong tay Hư Vân hòa thượng là 3 chữ, một là chữ  “十” (Thập), đại biểu cho quân Italy, một là chữ “卍” (Vạn), đại biểu cho phát xít Đức, còn một là chữ “日” (Nhật), đại biểu cho lãnh thổ Trung Hoa bị quân Nhật tùy ý xâm lấn.
Hư Vân hòa thượng trầm tư một lát, rồi nói thêm, lần này sau khi kháng chiến thắng lợi, Trung Quốc sẽ xuất hiện một diện mạo khác. Tưởng Giới Thạch nghi hoặc, hỏi diện mạo khác là gì? Lão hòa thượng trầm mặc không nói gì, cũng không trả lời câu hỏi đó.
Đúng như tiên đoán của Hư Vân hòa thượng, 3 năm sau, Italy đầu hàng vô điều kiện, phát xít Đức bại trận, Nhật vốn cũng không thể không ký hiệp thương đầu hàng. Ngay sau đó, xảy ra cuộc nội chiến giữa Quốc dân Đảng và Đảng Cộng sản (ĐCS), đến năm 1949 mới ngừng lại. Diện mạo khác mà Hư Vân hòa thượng tiên đoán chính là việc ĐCS lên nắm quyền, Tưởng Giới Thạch và Quốc dân Đảng phải thu về cố thủ ở Đài Loan. 


Hư Vân hòa thượng để lại dự ngôn cho Tưởng Giới Thạch. Ảnh dẫn theo tinhhoa.net

Từ chối gặp mặt Mao Trạch Đông
Chuyện kể rằng sau khi lên nắm chính quyền, có một lần ở Vũ Hán, Mao Trạch Đông từng nghe chuyện về Hư Vân hòa thượng. Nghe xong Mao Trạch Đông chấn động, nghĩ ngay đến việc mời Hư Vân đến Vũ Hán, nhưng đã bị Hư Vân cự tuyệt. Hư Vân hòa thượng nói, xưa nay Pháp vương đều cao hơn nhân vương, Mao Trạch Đông cần quy theo, ông ta cần phải đến Nam Hoa, chuyện này sau đó bị bỏ mặc.
Hư Vân không chỉ cự tuyệt gặp Mao Trạch Đông, hơn nữa còn cự tuyệt đảm nhiệm chức Hội trưởng hội Phật giáo. Năm 1953, lãnh đạo ĐCSTQ mời Hư Vân đến Bắc Kinh phụng dưỡng tuổi già nhưng lão hòa thượng lúc ấy đã 114 tuổi vẫn cự tuyệt lời mời này, tiếp tục ở tại Giang Tây, Vân Cổ tự cùng các đồ đệ tu hành. Hứng chịu sự phá hoại nghiêm trọng trong nhiều lần vận động liên miên của ĐCSTQ, núi Vân Cư nơi Phật giáo từng rất hưng thịnh giờ đây chỉ còn sót lại ba gian nhà tranh. Hòa thượng Hư Vân đã trải qua những khoảnh khắc cuối cùng của cuộc đời mình tại nơi đây.


Hòa thượng Hư Vân từ chối gặp Mao Trạch Đông. Ảnh dẫn theo fo.ifeng.com

Gặp phải bức hại thảm khốc
Dưới thời Mao Trạch Đông cầm quyền, Hư Vân hòa thượng đã hơn 100 tuổi cũng không thể thoát khỏi bị vu cáo, phỉ báng và hãm hại. Hư Vân phải chịu cảnh giam giữ trong phòng trụ trì, không được ăn uống gì, thậm chí còn không được ra khỏi phòng để đi vệ sinh.
Ông cũng bị ép phải giao nộp vàng, bạc và súng đạn. Khi trả lời rằng mình không có những thứ đó, ông đã bị đánh đập tới mức xương sọ bị rạn nứt, chảy máu và gãy xương sườn. Lúc đó ông đã 112 tuổi. Quân cảnh đã đẩy ông ngã từ trên giường xuống đất. Ngày hôm sau, khi họ quay trở lại và thấy Hư Vân vẫn còn sống thì lại tiếp tục đánh đập ông tàn nhẫn hơn.
Hòa thượng Hư Vân, vị cao tăng đắc đạo một đời đã từng được Từ Hy Thái hậu quỳ lạy, từng được Tưởng Giới Thạch kính trọng, xem là thượng khách, không ngờ khi ấy lại bị đối xử tàn nhẫn, bị đánh đập và lăng nhục thậm tệ đến vậy.
Nhưng Hư Vân đại sư là người đức cao vọng trọng. Đứng trước sự đàn áp, khủng bố lớn như vậy, ông vẫn điềm tĩnh nói với các đệ tử của mình rằng: “Chính niệm chính tâm, dưỡng xuất tinh thần không sợ sệt, độ nhân độ thế. Các ngươi vất vả rồi, hãy nghỉ sớm đi!”. Câu “dưỡng xuất tinh thần không sợ hãi” này, rõ ràng muốn nói rằng tinh thần Phật Pháp không cúi đầu trước tà ác. Người chân tu chính niệm chính hành sẽ được các vị Thần bảo hộ nên không mảy may lo sợ.
Ngày 13/10, lão hòa thượng đả tọa, hai gò má ửng đỏ. Đại sư hợp chưởng, dặn dò mọi người giữ gìn sức khỏe rồi tạ thế ở tuổi 120 tuổi, được đồ đệ an táng tại Hải Hội tự trên núi Vân Cư.
Theo NTDTV
Phi Long biên dịch

Lậm xài, tổn phước

LẬM XÀI, TỔN PHƯỚC

Hắc - Bạch công tử Bạc Liêu
Đốt tiền nấu trứng ra điều giàu cha
Ba chục năm thấm thoắt qua
Lậm xài tổn phước, nghèo ra chết đường !
         PNP-SG-29/10/2017

Đời bi kịch của Bạch Công Tử - tay chơi bậc nhất trời Nam, chết không có đất chôn: Ai học được chữ ngờ


Đời khó học nhất là chữ ngờ. Nên lúc trên đỉnh cao cũng đừng tỏ ra coi thường người khác, không ai giàu 3 họ mà cũng chẳng ai khó 3 đời đâu.




https://i2.vitalk.vn/thread/src/2016/04/28/image_2mfnkomtar8hq.jpeg


Lê Công Phước hay còn gọi là George Phước (1901- 1950). Cuộc đời ngắn ngủi 49 năm đó, Bạch công tử - biệt danh dân gian thời bấy giờ đặt cho ông - đã để lại biết bao chuyện mà chúng ta cần chiêm nghiệm và suy gẫm.

Là con trai thứ 4 của Đốc phủ Lê Công Sủng, Bạch công tử sinh ra tại làng Điều Hòa, tổng Thuận Trị, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay thuộc phường 3 TP. Mỹ Tho). Đốc phủ Sủng vốn người Bình Định được chính quyền Pháp thuộc điều vào làm quận trưởng quận Châu Thành rồi sau đó làm quận trưởng quận Chợ Gạo.

Đốc phủ Sủng không giàu, có nhiều vợ trong đó có bà Đào Thị Linh quốc tịch Pháp là người giàu có trong vùng. Bà Linh sống với đốc phủ Sủng được một thời gian có một đứa con chung là Lê Công Phước thì bị bệnh lao. Bệnh này lúc bấy giờ là bệnh nan y nên không chữa được và bà chết sớm để lại một gia tài đồ sộ.




https://i2.vitalk.vn/thread/src/2016/04/28/17_2mfihl3op0ha6.jpg

Nhờ vào thế lực và vốn liếng được thừa hưởng, đốc phủ Sủng đã lao vào làm ăn kinh doanh nên chẳng mấy chốc, gia tài đồ sộ của vợ để lại càng đồ sộ hơn. Mức giàu có của đốc phủ Sủng đứng vào hàng nhất nhì của khu vực Mỹ Tho - Gò Công lúc bấy giờ.

Năm 1909, đốc phủ Sủng được đại diện cho tỉnh Mỹ Tho dự hội chợ ở Pháp. Tại kinh đô ánh sáng, đốc phủ Sủng đã tìm mọi cách để sau đó gởi gắm con trai Lê Công Phước sang Pháp du học.

Theo quan niệm của giới quan lại thời bấy giờ, có con qua Pháp du học là một vinh dự lớn. Ngày đi và ngày về luôn có những cuộc đưa đón rình rang long trọng. Vậy mà, trên đất Pháp, thay vì chuyên tâm học tập, George Phước lao vào ăn chơi trụy lạc. Sau mấy năm ở xứ người, Lê Công Phước trở về với bàn tay không khiến cho đốc phủ Sủng vô cùng thất vọng...

Hình phạt ông dành cho cậu quí tử là phải làm phụ hồ, gánh gạch khiêng đá cùng với nhóm thợ đang xây dựng căn nhà. Biết lỗi và chấp nhận hình phạt của cha, George Phước miệt mài lao động trong nhiều tháng cho đến khi xây dựng xong căn nhà. Nhờ vậy mà cha ông nguôi giận.

Ông đốc phủ Sủng không may qua đời khi cậu tư Phước còn quá trẻ. Tuổi đời chưa đến 20 với sản nghiệp quá lớn, sẵn máu ăn chơi trong người đã làm cho George Phước lao vào những cuộc chơi suốt sáng, trận cười thâu đêm.

Cái kết cục của những cuộc chơi hoang phí vô độ đó, gia tài của mẹ cha để lại sớm vơi dần đi đến chỗ khánh tận. Khi chưa được 50 tuổi cậu tư Phước phải sớm lìa đời vì ma túy. Thi hài Bạch công tử được một người quen đem về an táng trên miếng đất mà vốn là của ông nay đã đổi chủ.

Bạch công tử qua đời khi không còn một chút tài sản nào trong tay. Nấm mồ của người giàu có nhất vùng trong hàng chục năm qua vẫn là nấm mồ đất. Mãi cho đến 2005, ngôi mộ mới được xây lại.

(Sưu tầm Vietnamnet.vn)
Hắc Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy (trái) 
và Bạch Công tử Mỹ Tho Lê Công Phước (phải)

Buông Kiếm theo Phật


BUÔNG KIẾM THEO PHẬT

Nửa đời ta bà, miếng trả miếng
Ân đền oán trả, mới thoả lòng
Sân hận chẳng vơi, chồng lên mãi
Máu người máu ta, đã tuôn dòng

Nửa đời nghiệm ra, nhiều nghĩa lý
Hận người là ta tự hại mình
Hại tim gan phổi, thận - huyết áp
Ăn nhậu tưởng vui, hại chúng sinh

Danh - Dục - Sắc kia, như bẫy chuột
Ham chút mồi ngọt, hỏng người ngay
Người đời vị kỷ, tham - nhác - hận
Lậm Danh - Sắc - Dục, khổ nghiệp vây

Từ đây buông kiếm, đi theo Phật
Tu thân giải Nghiệp, tập thứ tha
Nửa đời trả oán, oán chồng oán
Đập bao tên tồi, đời vẫn ma
       PNP-SG-29/10/2017

Thứ Bảy, 28 tháng 10, 2017

Học theo gương Phật


HỌC THEO GƯƠNG PHẬT

Xưa Đức Phật :
"Bình bát cơm ngàn nhà. 
Thân đi muôn dặm xa. 
Mắt xanh xem người thế. 
Mây trắng hỏi đường qua.."

Ngày nay ta : 
Sáng chay 15 ngàn
Trưa - chiều, chay 10 quan
Ngày cày, đêm niệm Phật
Thanh đạm, đời lạc an
    PNP-SG-28/10/2017

Thứ Sáu, 27 tháng 10, 2017

Xem hành động biết nhân cách





Qua cách cầm đũa, bố dạy tôi cách nhận ra người con gái có thể bỏ rơi mình


(Sưu tầm từ Phụ nữ & gia đình)

Kẻ phàm phu, nội tâm thô thiển, chỉ cần tinh ý một chút là có thể nhận ra.

Cần nuôi dưỡng phẩm chất làm người, bắt đầu từ hành động cầm đũa đơn giản trong bữa ăn.
Hôm nay cuối cùng thì tôi cũng dẫn bạn gái về ra mắt bố mẹ, trong lòng cảm thấy rất căng thẳng, sợ họ không thích bạn gái của tôi. 
Sau khi về tới nhà, mẹ chỉ kịp chào hỏi một chút rồi liền vội xuống bếp nấu ăn. Còn bố ở trong phòng đọc sách, sau khi chúng tôi vào chỉ gật đầu và ở trong đó mãi cho đến khi dùng bữa mới ra.
Bố vốn ít nói, giờ ăn chỉ lặng lẽ nghe chúng tôi nói chuyện. Tôi lo lắng bố mẹ không thích bạn gái, vì vậy trong lúc nói chuyện luôn tìm cách để họ có thể thân mật nhau hơn, thế nên trong bữa ăn chúng tôi và mẹ cứ phải luôn miệng rôm rả với nhau để tạo bầu không khí.
Sau khi tiễn bạn gái ra về, bố nói: “Bạn gái của con không có duyên làm con dâu nhà ta đâu“.
Tôi ngạc nhiên, bạn gái là do một người bạn giới thiệu cho tôi, hơn nữa hàng ngày tiếp xúc với nhau, cô ấy như thế nào tôi cũng rất rõ.
“Bố, sao bố lại nói như vậy ạ?”
Bố nói: “Từ cách ăn, cơ bản là có thể đoán được bạn gái con là người như thế nào. Khi bạn gái con gắp thức ăn có một thói quen xấu, đó là thường lật thức ăn ở dưới đĩa lên vài cái rồi sau đó mới gắp, đối với thức ăn yêu thích, lại càng lật đi lật lại nhiều hơn, giống như coi đĩa là cái chảo đang muốn xào nấu thức ăn một lần nữa“.
Tôi không đồng ý và cho rằng: “Mỗi người có những thói quen khác nhau, có người thì thích từ tốn ăn từng miếng bé một, có người lại thích ngấu nghiến ăn miếng lớn“.
Bố thở dài lắc đầu và nói: “Nếu như một người có cuộc sống khốn khó, đối diện với một đĩa thức ăn thơm ngon, ăn uống không nho nhã thì có thể thông cảm được, thế nhưng bạn gái con vốn là người kinh doanh, cuộc sống vật chất đầy đủ, nhưng lại ăn uống như vậy, điều này cho thấy đây là một người ích kỉ, lòng dạ hẹp hòi. Ở trước đĩa thức ăn, không hề chú ý đến cảm nhận của người khác, dùng đũa lật đi lật lại trong đĩa, nếu như đối mặt với sự mê hoặc về lợi ích, người này nhất định sẽ không từ thủ đoạn mà chiếm bằng được cho bản thân”.
Tiếp đó, bố còn kể lại cho tôi câu chuyện của ông lúc còn nhỏ.
Khi bố 5 tuổi, ông nội qua đời, hai mẹ con quả phụ sống những ngày tháng khốn khó, cơm thường không đủ ăn.
Có đôi lúc đến nhà họ hàng dùng bữa, trước đó bà nội thường dặn đi dặn lại: “Con trai, khi ăn cơm nhớ phải chú ý cách ăn uống, không nên chỉ độc chiếm gắp những thức ăn mà con thích, như vậy mọi người sẽ chê cười. Mặc dù chúng ta nghèo, thế nhưng cũng phải biết chừng mực.”
Lời dặn của bà nội, bố luôn ghi nhớ trong lòng, cho dù trước mắt đầy những thức ăn ngon, bố cũng vẫn nhớ chú ý, tự kiềm chế ăn uống chừng mực.
Bố nói: “Không nên chỉ coi nhẹ tình tiết nhỏ đó, bởi vì hành động cầm đũa gắp thức ăn như thế nào của một người cũng có thể nhìn ra được phẩm chất và tính cách của người đó”.
Sau này một sự việc xảy ra, chứng minh cho những lời của bố nói là đúng, bạn gái của tôi do gặp được một người giàu có kiếm được nhiều tiền hơn mà chia tay tôi. Nghĩ đến nếu không có những lời nói của bố lúc bấy giờ, có lẽ đến bây giờ tôi vẫn cứ ôm giữ nỗi buồn mãi trong lòng không thôi.
Từ đó về sau, tôi luôn ghi nhớ lời của bố: “Cần nuôi dưỡng phẩm chất làm người, bắt đầu từ hành động cầm đũa đơn giản trong bữa ăn”.
***
Người khôn ngoan, trong khi giao tiếp sẽ biết cách cư xử, nói năng khéo léo, nhưng cũng là bề mặt, khéo mấy cũng không thể che được bản chất qua những điều dẫu nhỏ nhặt mà cũng lại rất tinh tế. Một người biết tu dưỡng bản thân, sở hữu một nội tâm tròn đầy, luôn biết nghĩ cho người khác, thì mỗi hành động đều là chân thành, xuất phát từ nội tâm thiện lương mà làm, điều này cũng không khó để nhận ra, cũng không dễ mà bắt chước được.
Thế mới nói, tu dưỡng bản thân chính là cốt yếu để làm con người chân chính vậy.

Thứ Năm, 26 tháng 10, 2017

Đường giác ngộ


ĐƯỜNG GIÁC NGỘ 

“Có Phước, vợ vô tâm - dở tệ
Vô Phước, vợ mỹ lệ - giỏi giang” - PNP

Trong một quán cơm chay ven lộ
Anh tài xế kể khổ giãi bày
Rằng bao cô giỏi xinh không cưới
Cưới nhằm bà nghèo - tệ - kệ mày

Nhiều khách mới ăn chay, thông cảm
Nói vào, đúng là phận anh xui
Xưa cưới mấy cô giàu - xinh - giỏi
Giờ đâu khổ, tài xế lui cui

Một cư sĩ hiểu đời, trầm mặc
Nói ngược trật, anh thật may vàng
“Có Phước, vợ vô tâm - dở tệ
Vô Phước, vợ mỹ lệ - giỏi giang”

Mọi người đều ngạc nhiên, thắc mắc
Sao cư sĩ nói khác, ngược đời ?
Người cư sĩ thủng thẳng, chậm chắc
“Vợ chồng là duyên phận nợ đời”

Nợ tình - tiền, kiếp nao chồng chất
Mà lấy nhằm vợ tốt - giỏi - xinh
Thì kiếp này, vay thêm, không trả
Nợ ngập đầu, (địa) ngục cả đợi anh

Vợ vô tâm, không xinh, chẳng giỏi
Là cơ hội, anh phải gánh gồng
Phải cật lực, nợ dày nhanh trả
Về cuối đời, sẽ nhẹ, thong dong

Vợ không xinh, anh không mê đắm
Thiên hạ không rình cắm, đỡ lo
Khi được rảnh, vừa buông cày cuốc
Là chuyên tâm đường phước ta tu
         PNP-SG-26/10/2017