Thứ Năm, 28 tháng 12, 2017

Lòng tự trọng của người dân Nhật Bản

Vì sao dù nghèo đói cỡ nào, Nhật Bản không bao giờ có người ăn xin?

Chia Sẻ




Một điều kì lạ khi đến Nhật Bản đó là thật khó có thể gặp một người vô gia cư hay ăn xin nào đang ngửa tay ra xin tiền người qua đường trên phố. Tại sao vậy?
Một người Việt Nam trong lần đến thăm thành phố Ginza của Nhật Bản đã bắt gặp một cảnh tượng khiến anh vô cùng kinh ngạc. Anh kể rằng mình đã trông thấy một người đàn ông nhưng không biết có thể gọi là ăn xin hay không. Ông ấy mặc bộ Kimono màu vàng pha nâu được là ủi sạch sẽ tươm tất, chân đi giày trắng bóc như vừa mua từ cửa hiệu, tay cầm chuông, tay còn lại cầm chiếc bát gỗ, đầu đội chiếc nón che gần hết cả khuôn mặt. Ông ấy đứng im trên vẻ hè, ai đi ngang cho gì thì cho, nhưng ông không xin. Anh thắc mắc đến người hành khất cũng có lòng tự trọng đến nhường này sao?


Ông ấy đứng im trên vẻ hè, ai đi ngang cho gì thì cho, nhưng ông không xin.

Vì sao Nhật Bản không có ăn xin ngoài đường?
Theo một số liệu thống kê thú vị, tại Tokyo có 2.000 người vô gia cư, nhưng bạn sẽ không bao giờ gặp được bất kỳ người vô gia cư nào hay một cậu bé lấm lem nào trên đường phố Nhật Bản đang ngửa tay ra xin tiền một người qua đường hay một ai đó.
Chính phủ Nhật Bản đầu tư thực thi chính sách “trợ cấp nhân sinh”, có nghĩa là bất kỳ người nghèo hay người vô gia cư khi cảm thấy điều kiện vật chất quá khó khăn và cần được giúp đỡ thì họ có thể đến chính quyền địa phương xin nhận trợ cấp. Trung bình một người có thể nhận số tiền trợ cấp hàng tháng lên tới 120.000 Yên (khoảng hơn 22 triệu đồng) để trang trải cuộc sống tối thiểu. Tuy nhiên, rất nhiều người nghèo ở Nhật Bản từ chối nhận chính sách này.
Hầu hết những người vô gia cư ở Nhật Bản đều là những người già, trẻ em khuyết tật, chủ doanh nghiệp bị phá sản, nhân viên văn phòng, sinh viên tốt nghiệp ra trường vì một lý do nào đó mà phải rẽ ngang cuộc đời. Dù rơi vào bế tắc hay bi thương họ không hề ngửa tay ra xin tiền, đơn giảnvì họ nghĩ rằng như vậy đang làm mất đi lòng tự tôn trong nhân cách của mình.
Lòng tự trọng của người Nhật rất cao, họ cho rằng mình có thể chết nhưng không được xin của bố thí. Tại Nhật Bản, những người ăn xin là những người bị coi thường nhất, vì họ cho rằng tinh thần võ sĩ đạo sẽ không cho phép họ làm vậy.
Người Nhật tâm niệm rằng: Một người cho dù đến bước đường cùng cũng không bao giờ nhụt chí.
Cũng chính bởi vậy, từ đống đổ nát hoang tàn sau cuộc chiến tranh khốc liệt, Nhật Bản đã tự vươn mình trở thành một siêu cường quốc kinh tế chỉ trong một thời gian ngắn, khiến cả thế giới phải ngả mũ thán phục.
Tự trọng – Tinh thần võ sĩ đạo trong tính cách người Nhật
Lòng tự trọng được xem là giá trị cốt lõi trong văn hóa của người Nhật. Không chỉ riêng đối với người giàu mà ngay cả người vô gia cư cũng hiểu rằng, sự tôn nghiêm làm nên một con người chứ không phải tiền bạc hay chức vị.
Giáo dục cho trẻ em về lòng tự trọng trong nhân cách được người Nhật chú trọng ngay từ những khi còn bé. Đến Nhật, bạn có thể trông thấy một cậu bé 2-3 tuổi đang lẫm chẫm tập đi theo mẹ, nhưng nếu chẳng may trượt ngã, không bao giờ người mẹ cuống quýt, vội vã đỡ con dậy. Thay vào đó, mẹ cậu bé sẽ quay lại và nói: Con hãy cố tự mình đứng dậy nhé! Không dựa dẫm, tự đứng dậy ngay tại chính nơi mình vấp ngã là bài học về lòng tự trọng đầu tiên mà mỗi người con Nhật Bản được học ngay từ khi bé.
Có thể bạn chưa biết, tại Nhật, khi một người cảnh sát khi bắt gặp một người lái xe vi phạm luật giao thông, anh ấy sẽ không bắt người tài xế xuống xe mà sẽ bước đến bên buồng lái hỏi chuyện với người tài xế chỉ vì muốn giữ lòng tự trọng cho người lái xe.
Tại một cửa hàng của Nhật Bản, người chủ tiệm đã quyết định lắp đặt camera để quản lý trông coi hàng hóa phòng trường hợp bị mất cắp. Ngay một thời gian sau, không có bất kỳ vị khách nào ghé đến cửa hàng mua đồ nữa, họ tẩy chay chủ tiệm vì ông ấy đã làm tổn thương lòng tự trọng của mình. Cũng từ đây, trong các siêu thị hay tiệm tạp hóa của Nhật đều không lắp camera như các nơi khác.
Và một điều kì lạ trong hàng tá những kì lạ về xứ sở này đó chính là chỉ trong vài ba năm, nước Nhật có tới từ 4-5 Thủ tướng, không phải người đứng đầu của đất nước bị cách chức mà họ xin từ chức. Từ chức vì lòng tự trọng.


Ngày 12/7/2007, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe xin từ chức vì cho rằng ông đã không đảm nhiệm tốt vai trò của mình sau 1 năm làm Thủ tướng đầy sóng gió. (Ảnh dẫn qua: WFDD)

Trong bất kể một lĩnh vực nào, dù chỉ là một sai phạm nhỏ, dù đó là do cấp dưới gây ra, người đứng đầu luôn nhìn nhận rằng nguyên nhân dẫn đến hậu quả này xuất phát từ chính họ, là lỗi của mình. Có câu chuyện kể về một vị giáo sư khi bị người khác đâm xe làm ngã, ông đứng dậy và nói với người làm ông ngã rằng:“Xin lỗi, vì tôi mà ông gây ra chuyện này!”
Người Nhật rất kiêng kị xúc phạm người khác. Trong giao tiếp, họ luôn cố gắng tìm cách nói giảm, nói tránh bằng những hành động ít mang tính đe dọa, không làm tổn thương người khác trước đám đông vì người Nhật muốn giữ lòng tôn nghiêm cho người khác.
Vậy tự trọng là gì mà từ một giáo sư học thức đến một người ăn xin ngoài đường coi trọng đến vậy?
Tự trọng là một phẩm chất cao quý, ước chế con người ta không phát sinh tham lam, tật đố; tự trọng hướng con người ta đi đúng đường, bước đúng bước không mưu cầu quá nhiều mà biết sống đúng mực. Tự trọng có thể được xem như thước đo của đạo đức mà con người có thể dùng để đối đãi với nhau. Không có tự trọng hay lòng tự tôn nhân cách con người dễ bị hoen ố, sống không cần biết quan tâm đến xung quanh và dần trở nên tha hóa. Cũng bởi vậy mà tự trọng đã trở thành bài học đầu tiên mà mỗi em nhỏ người Nhật được học ngay những bước vấp ngã đầu tiên của cuộc đời.
Người Nhật hiểu rằng, giữ lòng tự trọng không phải mục đích vì để thể hiện tôi là ai, tôi là người như thế nào với người khác; mà họ tin khi có tự trọng con người sẽ biết phân biệt đâu là đúng, đâu là sai; điều gì nên và không nên làm, từ đó mà gặt hái sự tôn nghiêm của chính bản thân mình. Tự trọng trong văn hóa người Nhật xuất phát từ tâm niệm sống tốt đẹp, dạy con người ta biết vươn lên sau những khó khăn; luôn cố gắng suy nghĩ và hạn chế tối đa thương tổn trong tâm người khác. Nhật Bản ngày nay có lẽ đã không chỉ là xứ sở của hoa anh đào hay những ngọn núi tuyết cao sừng sững, mà còn là đất nước của những giá trị nhân cách cao cả.
Hồng Tâm (daikynguyen.tv) 

Thứ Tư, 27 tháng 12, 2017

Trật tự vũ trụ về thức ăn


TRẬT TỰ VŨ TRỤ VỀ THỨC ĂN

Trâu Bò ăn Cỏ, khoẻ re
Vừa to bắp thịt, vừa khoe sữa nhiều
Con Dê, dê biết bao nhiêu
Cũng ăn Cỏ - Lá, bổ nhiều gì đâu

Ăn tạp là giống Gấu Nâu
Ăn thịt là Gấu Trắng phau, khoẻ trời
Ăn tạp là Khỉ giống Người (Tinh Tinh, Giả Nhân)
Tất cả đều khoẻ, bệnh thời gì đâu ?

Con Cọp ăn thịt Dê - Trâu
Mà cũng rất khoẻ, cần rau trái gì ?

To lớn như loài Voi kia
Chỉ ăn Cỏ - Lá, vẫn suya sức trường

Cá Voi nặng trăm tấn hàng
Chỉ ăn giáp xác bé bằng tăm cây
Tất cả khoẻ mạnh phây phây
Chăng cần bác sĩ bác nầy thầy kia



——————

Tạo Hoá thần diệu chỗ ni
Bò mà ăn thịt, bò đi đàng đời
Cọp mà ăn Cỏ, thôi rồi
Mỗi loài ăn đúng thức Trời tạo ra
Thì sẽ khoẻ mạnh, vô lo ...
——————-

Lại nói về con Người ta
Lúc xưa Tạo Hoá tạo ra, ăn gì ?
Để ngày nay sức khoẻ suy
Bệnh tật phát tác, yếu đi nhiều lần

Con Người sống khắp hành tinh 
Tuỳ theo địa lý, ăn thành khác nhau.
Ăn toàn thịt, Eskimo
Tuổi thọ rất ngắn khó ngờ, ba mươi (trung bình trước kia thọ 27 tuổi)

Dân Mông Cổ du mục thời
Ăn thịt Cừu - Ngựa, thọ đời khá hơn (khoảng 40 tuổi)

Dân bộ tộc trên cao sơn
Ăn thuần ngũ cốc thọ hơn trăm ngoài (thọ trên trăm tuổi)

Dân Âu Mỹ, ăn đủ loài
Thịt sữa bổ béo, bệnh dài ung thư
(Tuổi thọ khá hơn dân châu Á chút, nhưng bệnh tim mạch ung thư đầy)

Nay dân Châu Á, không thua
Giàu lên ăn lắm, bệnh đua trăm bề
Tuổi thọ tuy khá đề huề
Trên sáu mươi - thọ, bệnh rề kinh niên
Bệnh viện nào cũng chật nêm ...
——————-

Nếu Người thuần ăn thịt săn
Tạo hoá đã gắn bộ răng nanh đầy
Bao tử axit gấp mười
Ruột dài so với thân người, gấp ba

Nếu Người thuần ăn Cỏ kia
Bao tử ngăn kép, ruột kìa dài thêm
So thân mình, gấp mười thân
Thực tế Người ruột dài gần sáu thôi (từ 7,5 đến 9m)

Nếu so sánh bộ răng Người
Răng nanh ăn thịt, bốn thôi, ít mà (4/32 cái răng # 8%)
Răng cửa cắt củ quả nha
Chỉ có tám cái, so là bao nhiêu (8/32 cái răng #15%)
Răng hàm răng cối nghiền nhiều
Trên dưới hai chục, nhai đều hạt thôi (20/32 # 67% nhai nghiền cốc loại)
Nhưng phải nấu chín mới trôi
Tuyến nước bọt, giúp tiêu bôi hạt này

Có lẽ bí mật nằm đây
Con người ăn tạp, nhưng tày đó thôi
Ăn lố tỷ lệ, trái trời
Mất cân đối, ắt là người bệnh sinh

Con Người vì có lòng tham
Dùng Đường - Muối - Lửa chế tràn món ngon
Thịt - cá - đường - sữa - rượu tuôn
Ăn không biết chán, bệnh không phòng ngờ

Hệ tiêu hoá khó loại trừ
Chất độc - Uric có từ thịt kia
Thế là bệnh tật sinh ra
Lâu ngày dài tháng chuyển qua Ung rồi
Còn bệnh tim mạch, chật đời
Do mỡ trong máu cao vời phát sinh

Bệnh ư ? Lại vào nhà thương
Bác sĩ cho thuốc, uống trương xác đầy
Sống đấy, nhưng bệnh lất lây
Đủ bệnh hành hạ, đến ngày tắt hơi
Nguyên nhân, vi phạm luật trời
Đảo lộn trật tự cao vời thức ăn ...
—————

Rút từ kinh nghiệm bản thân
Hai lần nghẽn mạch, máu lên cao rần
Hai lần áp dụng cách ăn
Ohsawa - thực dưỡng, lại an mọi bề
Nhất ăn số bảy, tuyệt nghề (ăn thuần cơm gạo lứt muối mè)
Bệnh thân dù có nặng nề, cũng tiêu
Chỉ tội tướng gầy liêu xiêu 
Sút hơn chục ký, người kêu om xòm

Quan trọng, thắng được thèm mồm
Đừng tham ăn bậy, nhậu buồn, bệnh êm
Tránh xa rượu - thịt - đường, quen
Trái cây ăn ít, là thân nhẹ nhàng

Ăn số bảy nửa năm ròng
Sức khoẻ trí tuệ khai thông tuyệt vời
Thiền định thêm nữa, ôi trời
Con người linh mẫn, thấy đời đẹp thay
Có lẽ đường tạo hoá đây
Người ăn cốc loại, phải nhai nước nhừ
Rau - củ - thịt - trái, ít như ...
           PNP-SG-27/12/2017


Thứ Ba, 26 tháng 12, 2017

Nhân tướng, sức khoẻ & sự nghiệp


NHÂN TƯỚNG, SỨC KHOẺ & SỰ NGHIỆP

Dạ dày yếu, tánh hay buồn
Phổi yếu lo lắng bồn chồn bâng quơ
Gan yếu, nóng giận vu vơ
Thận yếu, sợ hãi bóng mờ xa xăm
Mật yếu, nhút nhát Cheo lăn
Tim yếu, hờn chuyện lăng nhăng sự đời

Người mập, trương nở - âm rồi
Công việc trở ngại, bắn ruồi bằng thung

Người gầy chặt lại, đang dương
Được thời phi ngựa bắn cung, hoạnh tài

Ít ăn ít ngủ, (làm) miệt mài
Thần ăn tướng ngủ, dây lưng dài, tiền teo
Chặt người, gầy chạy veo veo
Béo người đi bộ như mèo, hụt hơi

Ăn (cơm) nhiều, cả tô canh ngời
Béo người, sức yếu, trở trời bệnh thăm
Ăn ít, nhai kỹ, ăn (khô) khan
Mình dây vóc Hạc, lẹ làng, việc siêng
         PNP-SG-26/12/2017

10 điều không nên nói


10 điều mà người trí thức sẽ không nói

Khẩu đức tốt mới gặp được vận may tốt, vận may tốt mới có được nhiều thành tựu hơn. Rèn luyện khẩu đức chính là rèn luyện nhân khí của bản thân, một người chính khí thì sẽ gặp được nhiều vận may.
Ông bà ta ngày xưa có câu “lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Khi một lời đã vô ý thốt ra, khó mà rút lại được. Một câu nói có thể hại mình hại người, có thể phá hỏng cả một mối quan hệ tốt đẹp. Chính vì vậy, nói năng cẩn thận là một điều vô cùng quan trọng mà mỗi người cần phải tu dưỡng trong cuộc đời.
“Người khôn để miệng trong tim, người dại để tim trong miệng”
Dưới đây là 10 điều mà người có học thức sẽ không nói:

1. Không nói nhiều

Bệnh đi vào từ miệng, họa từ miệng mà ra. Đừng nói quá nhiều, nói nhiều ắt sẽ lỡ lời. Người ta thường có câu: “Nói dai, nói dài thành nói dại”.

2. Không ăn nói lung tung

Những người trí thức không ăn nói lung tung, nói chuyện phải biết cân nhắc nặng nhẹ. Thường xuyên ăn nói lung tung sẽ hay phải hối tiếc vì những gì mình đã “buột miệng” nói ra..

10 điều mà người trí thức sẽ không nói
(Ảnh: bigstory.ap.org)

3. Không nói một cách hời hợt

Đừng nói năng hời hợt, những người không biết coi trọng lời nói của mình sẽ dễ bị người khác oán trách. Đừng dễ dàng hứa hẹn với người khác. Dễ dàng hứa hẹn nhưng không thực hiện sẽ đánh mất niềm tin của mọi người.

4. Không nói thẳng thừng

Người thông minh không ăn nói thẳng thừng mà không màng đến hậu quả, nếu không sẽ kéo theo nhiều điều phiền phức. Thay cách nói thẳng thừng, “dội nước lạnh vào đầu người khác” bằng cách nói nhẹ nhàng hòa ái; thay cách nói lạnh lùng bằng một chút nhiệt tình, quan tâm đến cái tôi của người khác, đặt sự tự tôn của họ lên hàng đầu.
Ngạn ngữ Anh có câu: “Lời nói đẹp là chi phí thấp nhất để thu lợi cao nhất”.

5. Không nói lời quá cay nghiệt

Nói chuyện phải tinh tế, đừng nói quá nghiệt ngã. Người hiểu biết không cần nói quá cay nghiệt, chừa lời cho người khác, để khẩu đức cho mình. Trách mắng người ta cũng đừng quá cay nghiệt, dành 3 phần lời cho người khác, giữ lại phần độ lượng cho bản thân.

10 điều mà người trí thức sẽ không nói
(Ảnh: pexels.com)

6. Không nói ra những bí mật

Đối với những việc quan trọng của bản thân cần giữ bí mật thì người trí thức sẽ tuyệt đối không tiết lộ, vì có những việc chỉ thành khi giữ bí mật, nói ra rồi sẽ thất bại.
Đối với những việc bí mật có liên quan đến người khác hoặc tổ chức, họ cũng không bao giờ tiết lộ, đây là vấn đề nhân phẩm và nếu tiết lộ sẽ rất dễ gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Khi sự việc chưa chắc chắn thì cũng không được nói những lời quả quyết nhằm tránh gây ảnh hưởng không tốt, khiến người ta cảm thấy mình nói năng bất cẩn mà không suy xét kỹ lưỡng.

(Ảnh: shutterstock.com)

7. Không nói những lời xấu xa

Người trí thức không nói những lời vô lễ, đặt điều hãm hại, xấu xa gây tổn thương cho người khác. Tổn thương về tâm lý do những “ác ngôn” gây nên nặng hơn nhiều so với tổn thương về thể xác.

8. Không khoe khoang

Người hay khoe khoang là người tự cao tự đại, thường tự cho mình là đúng, là giỏi. Có câu rằng” “Người tự kể lể thì không có công, kẻ tự khoe khoang thì không lâu dài”.

(Ảnh: pixabay.com)

9. Không nói lời gièm pha

Người có học thức không nói lời gièm pha, không nói xấu sau lưng, chia rẽ hoặc cố ý phỉ báng, hạ thấp và xúc phạm người khác. Những ai hay nói những lời gièm pha, thường bị người đời gọi là “tiểu nhân” và thiếu giáo dưỡng.

10. Không nói lời tức giận

Khi tức giận thì đừng nói chuyện, bởi vì những lời nói ra lúc này thường không được cân nhắc kỹ càng, sẽ gây tổn thương cho người khác và chính mình, lời nói ra như cốc nước hắt đi.
Hãy ghi nhớ rằng: Tuyệt đối không được đưa ra bất cứ quyết định nào khi đang tức giận. Một người mà không biết kiểm soát tâm trạng tốt thì có thể “giật sập cả một tòa thành”.
Thanh Vân (TrithucVN.net) 

Khoe khoang kiểu TQ - Nhật Bản & Việt Nam


Khoe khoang kiểu Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam khác gì nhau?




Hoàng tử William, Công tước Cambridge tham dự buổi tiệc trà truyền thống tại Vườn Hama Rikyu trong chuyến viếng thăm Nhật Bản nằm 2015 (Ảnh: Tim Rooke – Pool /Getty Images)

Tác giả cho rằng, đa số người Nhật Bản ngày nay rất hạn chế “khoe khoang”. Trong xã hội Nhật Bản, nếu một ai đó khoe khoang bản thân “rất có tiền” sẽ bị xã hội tẩy chay và cô lập. Có một vị trí thức Nhật Bản cũng từng chia sẻ quan điểm: người thích khoe mẽ (như chạy xe thân dài hạng sang, tay cầm túi LV, đánh son môi đỏ chót) bị xã hội Nhật Bản xem là biểu tượng của “thô lỗ” và “bần cùng”.
Vào thập niên 80 thế kỷ trước là thời gian bong bóng kinh tế Nhật Bản lên đến đỉnh, khắp Tokyo toàn nhà đầu cơ bất động sản và cổ phiếu, nhiều người phát tài sau một đêm. Những người phụ nữ thì ai nấy tay cầm túi LV, nam giới thì vung tiền trong những hộp đêm.… Nhưng sau khi bong bóng kinh tế bị vỡ, người Nhật Bản mới tỉnh mộng. Nền kinh tế từ nóng chuyển sang lạnh, để lại hậu quả tồi tệ kéo dài.
Sau những chiêu trò không hay trong kinh tế được hưởng ứng một thời gian, tình hình sụp đổ sau đó cuối cùng đã khiến người Nhật Bản phải nhìn lại, tự phản tỉnh lại. Xã hội Nhật Bản bắt đầu thịnh hành “trào lưu mới”: ăn mặc giản dị; không còn muốn tăng ca, về nhà lúc 6h tối trở thành thói quen mới; người chồng vào bếp và chăm sóc con cái…



Người Nhật Bản cầu nguyện trước khi ăn (Ảnh chụp màn hình video)

Nhiều người Nhật Bản nhìn bề ngoài rất giản dị, khiêm tốn, nhưng thực tế là họ cực kỳ giàu có, đam mê những trò chơi như lướt sóng và đã từng đi lướt sóng trên nhiều bãi biển lớn trên khắp thế giới. Dường như người Nhật Bản hiện nay thích “khoe khoang” theo kiểu này.
Người Nhật cũng không thích khoe tài, nếu bạn có nghe nói đến một tài năng nào đó, thì thường sẽ là biết đến một cách bất ngờ hoặc ngẫu nhiên, chứ bản thân họ không đánh bóng tên tuổi cho mình. Do đó, khi tài hoa của họ được phát hiện, được ca ngợi, không những họ không vui thích mà còn ngại ngùng, đỏ mặt, giống như bị người bắt gặp mình mắc sai lầm gì đó. Điểm này chắc người Trung Quốc nghe sẽ cảm thấy không thể hiểu nổi.
Khác với người Nhật Bản, cách “khoe khoang” của người Trung Quốc trong xã hội hiện nay thuộc về thứ có thể gọi là “trơ trẽn”.
Hiện nay, những câu xã giao kiểu như: “Tôi mới mua cái túi hàng hiệu này…”, “Tôi rất quen biết người nổi tiếng này…”, “Nhà tôi thế này…” đã trở nên khá phổ biến trong xã hội Trung Quốc. Nếu ở Nhật Bản mà có thái độ như thế có thể lập tức bị tẩy chay, cô lập.
Cuối thế kỷ 19, cha đẻ của kinh tế học định chế (Institutional economics) là Thorstein Veblen khi chứng kiến cảnh giới nhà giàu điên cuồng theo đuổi xa xỉ phẩm, ăn chơi sa đọa, khinh rẻ người lao động, ông đã viết tác phẩm “Luận về giai cấp nhàn rỗi” (The Theory of the Leisure Class), qua đó lên án động cơ và dục vọng của họ không khác gì những người nguyên thủy man rợ, cho rằng họ sẽ đẩy xã hội vào hai cực phân hóa nghiêm trọng, gây cản trở tiến bộ xã hội, phá hủy nền tảng đạo đức giúp xã hội khỏe mạnh, vì đối với họ lao động không còn là đạo đức tốt đẹp của con người cần được ca ngợi mà bị biến thành đối tượng để khinh bỉ.



Vương Tư Minh, thế hệ con cháu giới quyền quý của Trung Quốc Đại Lục (Ảnh chụp màn hình video Youtube)

Tại Trung Quốc ngày nay, dưới tác dụng của khẩu hiệu “hãy để cho một bộ phận giàu trước nổi lên”, kéo theo đó là xu thế sống xa xỉ như tiệc vàng, vung tay hoang phí… ngày càng phổ biến, đặc biệt là ở thế hệ “Phú nhị đại”. Chuyện lượng tiêu thụ Rémy Martin của Pháp ở Trung Quốc cao hơn tổng lượng tiêu thụ của các khu vực khác trên thế giới gộp lại cũng không phải lạ.
Không chỉ riêng Trung Quốc, bệnh “thích khoe” của người Việt Nam cũng là một vấn đề dễ nhận thấy. Mới đây, trong cuộc thăm dò của Nielsen thực hiện tại 58 quốc gia, Việt Nam có tỷ lệ người tiêu dùng chuộng hàng hiệu cao thứ 3 thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ. 56% số người tham gia khảo sát trả lời rằng họ sẵn sàng trả nhiều tiền cho sản phẩm hàng hiệu hơn là những nhãn hàng ít nổi tiếng dù chức năng như nhau, bởi với họ dùng đồ hiệu là một cách thể hiện địa vị và đẳng cấp.
Giới trẻ Việt Nam hiện nay không ít người chạy theo hàng hiệu đắt tiền, sẵn sàng bỏ ra cả tháng lương để mua túi hiệu, giày hiệu… Có những cô nàng đi làm công sở, mức lương chỉ khoảng 10 triệu đồng nhưng lại mua những bộ mỹ phẩm đắt tiền với mức giá gấp 4 lần tháng lương của mình. Tâm lý thích xe sang, dùng đồ độc, đi du lịch nghỉ dưỡng ở những khu xa hoa đắt đỏ rồi chụp vài bức ảnh để đăng lên mạng xã hội khoe với thiên hạ đã không còn mới mẻ. Trong danh sách người mua những chiếc xe gắn máy phiên bản giới hạn, những mẫu iPhone đầu tiên mới ra đời nhất định không thể thiếu người Việt Nam. Trong số 50 chiếc Mercedes-Maybach S600 có giá 9,6 tỷ đồng, dự kiến sản xuất cho thị trường toàn cầu trong năm 2015, thì giới siêu giàu Việt Nam đã đặt mua 10 chiếc.
Tâm lý khoe khoang, thích thể hiện này cá biệt còn gây nên hệ quả là sự lãng phí của cả những tổ chức xã hội chứ không chỉ riêng người dân. Năm 2015, ở Việt Nam đã xác lập một kỷ lục mới khi nấu tô hủ tiếu lớn nhất với đường kính 150 cm, sâu 70 cm. Để làm ra tô hủ tiếu kỷ lục, các đầu bếp đã dùng 100kg hủ tiếu gạo, 100kg tôm, thịt, 60 lít nước súp và các loại rau, gia vị khác. Nhưng do thời gian trưng bày quá dài khiến nước phở, tôm, thịt nguội lạnh; bánh phở nở trương, không ngon và cuối cùng phải đổ đi toàn bộ. Vụ việc này đã gây nên một cuộc tranh cãi không nhỏ trên mạng xã hội xung quanh sự lãng phí của một kỷ lục.



Tô hủ tiếu kỷ lục của Việt Nam. (Ảnh: dongthaptourist.com)

Ở Nhật Bản, đề tài “mua bạo” thành điểm nóng truyền thông, vì cảnh du khách Trung Quốc điên cuồng mua xa xỉ phẩm tại Tokyo rất phổ biến, họ còn cố ý nói “quá rẻ” khiến người Nhật Bản cũng phải tròn mắt kinh ngạc. Nhưng có lẽ họ không biết rằng đó không phải thái độ tôn trọng của người Nhật Bản mà ngược lại là cảm giác phản cảm.
Ngày nay, trên đường phố Nhật Bản rất hiếm thấy có những chiếc xe hơi xa xỉ của phương Tây, chủ yếu là xe việt dã và xe nhiều chức năng (MPV), xe được chuộng nhất là loại mini bé nhỏ và xe bảo vệ môi trường. Người Nhật Bản đã không còn dùng xe hơi để đánh giá con người xem có thành đạt hay không, mà nó chỉ là thứ công cụ thay cho đi bộ, quan trọng nhất là vấn đề an toàn tiết kiệm năng lượng bảo vệ môi trường, những xe việt dã cỡ lớn của Toyota, Mitsubishi chủ yếu bán cho Trung Quốc.
Dân số Nhật Bản khoảng 130 triệu nhưng có đến cả trăm triệu người thuộc giới trung lưu, được xem là kiến trúc xã hội kiểu ô-liu điển hình, tỷ lệ lớp người trung lưu ở Nhật Bản đặc biệt cao, an sinh xã hội được đảm bảo, khoảng cách giàu nghèo trong xã hội rất nhỏ, thu nhập của một CEO công ty trung bình chỉ gấp 5 – 10 lần người làm công ăn lương.
Nhà ở của người giàu Nhật Bản cũng chỉ thiết kế phong cách đơn giản, việc bày biện trong phòng những đồ dùng đắt đỏ bị xem là “tầm thường”.
Giữa giới nhà giàu Nhật Bản thịnh hành “triết lý ba không”, tức là “không có tài khoản ngân hàng (trước khi chết nhiều nhất chỉ nên có 20 triệu Yên, tương đương khoảng hơn 4 tỷ tiền Việt Nam), không có nhà, không chức tước”.
Ở Nhật Bản, có nhiều tiền và quyền lực thì khó được xã hội tôn trọng, thứ họ tôn trọng là cho dù bạn có danh giá cỡ nào thì cũng hãy kiên định không xa xỉ, sống giản dị.



Matsushita Kōnosuke, người sáng lập ra tập đoàn Matsushita, trường tư thục kinh tế chính trị Matsushita, viện nghiên cứu PHP (Ảnh chụp màn hình Youtube)

Ví dụ như Matsushita Kōnosuke được xem là “thần kinh doanh”, nhưng bản thân ông lại không mấy hứng thú với của cải, ông xem quyền lực là “trách nhiệm và nỗi thống khổ”. Năm 1961, khi phóng viên của Tạp chí Time (Mỹ) đi tìm ông lấy tin, phát hiện ông ngồi uống trà cùng ba nhà nghiên cứu trẻ trong một ngôi nhà cổ ở Tokyo, họ bàn cách làm thế nào giúp nhân loại phồn vinh và hạnh phúc hơn, thứ trí tuệ cao nhất mà ông lĩnh ngộ được là “triết lý của nước: “Làm sao để những thứ mọi người cần biến thành rẻ như nước”.
Đối với Matsushita Kōnosuke, kinh doanh chỉ là phương tiện, mục đích cuối cùng chính là để thể hiện trách nhiệm xã hội và sự mong đợi của công chúng được thể hiện thông qua các con số. Để hoàn thành lý tưởng cao xa, ông đã hoạch định viễn cảnh của công ty trong 250 năm, lấy 25 năm là một giai đoạn, hoàn thành trong 10 giai đoạn.
Khi ông qua đời năm 1989, lợi nhuận của công ty Matsushita sau 70 năm thành lập lên đến 42 tỷ đô la Mỹ, dường như đã trở thành công ty lớn nhất thế giới. Ông nói với phóng viên Tạp chí Time: “Tôi muốn nghiên cứu cuộc đời, thăm dò nguồn gốc hạnh phúc của loài người.”
Matsushita đã thành tấm gương cho những người theo đuổi của cải ở Nhật Bản. Khi đó, “người đứng đầu giới tài chính Nhật Bản” Toshiwo Doko là Hội trưởng Hội Liên hiệp Đoàn thể kinh tế Nhật Bản, dường như bữa tối hàng ngày ông chỉ ăn xuyên cá mòi, còn đại sứ trú tại Trung Quốc là Uichiro Niwa khi là giám đốc kinh doanh của tập đoàn Itochu cũng chỉ đi làm bằng tàu điện.
Nhật Bản là một xã hội trung lưu cao độ, đối với họ thái độ huênh hoang khoe của là thái độ của kẻ hèn mọn. Ngay cả các bữa tiệc chiêu đãi của những người có địa vị cao trong xã hội Nhật Bản đều tổ chức rất đơn giản, chỉ ăn tự chọn hoặc ăn theo kiểu Nhật, dường như không có “khung cảnh hoa lệ” với đầy sơn hào hải vị như thường thấy ở giới thượng lưu Trung Quốc.
Nhiều nghị sĩ quốc hội đều tuân thủ nguyên tắc “ăn 10 phút”, không lãng phí thời gian vào việc ăn uống, chỉ cần ăn đủ là được, không cầu kỳ, không phô trương lãng phí, “ăn hết thì cảm ơn, ăn thừa thì xin lỗi” là kiến thức phổ thông của người Nhật.
Trong bối cảnh “văn hóa xấu hổ” của người Nhật Bản, lãng phí là đáng hổ thẹn, cho nên hiếm khi thấy người Nhật Bản lãng phí.
Hãy thử nhìn lại giới nhà giàu Trung Quốc, đa số là xuất phát từ “chủ nghĩa tư bản thân hữu”, là kiểu tư bản mờ ám dựa vào quyền lực chính trị. Rõ ràng, trò khoe mẽ của những kẻ giàu có nhờ vào thứ của cải gom được đầy thủ đoạn này, hậu quả mang đến còn khủng khiếp hơn nhiều so với những gì mà nhà kinh tế Thorstein Veblen chỉ ra.
Thành Nhân
(Nguồn : TrithucVN.net)